TS Lê Đông Phương: 3 nhược điểm của nền giáo dục Việt Nam

Chủ nhật - 04/03/2012 07:16 5.242 0
- Tại sao nhân lực của đất nước lại thua kém so với các nước trong khu vực xa đến vậy? Làm thế nào để vực dậy nền giáo dục trước muôn vàn khó khăn như hiện nay? Và người trẻ nên ứng xử như thế nào trước ngã rẽ trên con đường học vấn phía trước? Tất cả đã được TS. Lê Đông Phương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam) chia sẻ trong buổi hội thảo mang tên “Định vị lại nền giáo dục Việt Nam” vừa được diễn ra.

TS. Lê Đông Phương: Hơn 25 năm làm nghiên cứu giáo dục ĐH, tôi nhận thấy giáo dục của chúng ta còn mắc phải những nhược điểm sau.

Thứ nhất, quy mô phát triển không đáp ứng yêu cầu. Cụ thể là giáo dục ĐH ở nước ta phát triển quá nhanh. Không quốc gia nào trên thế giới có 400 trường ĐH chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm như ở Việt Nam. Đáng nói hơn là số lượng lại không đi kèm theo chất lượng đào tạo.

Thứ hai, những bất hợp lý về việc phân bố ngành học và địa bàn đào tạo. Trong số gần 600 trường ĐH, CĐ hiện nay thì có tới 50% nằm tập trung ở Hà Nội và TP. HCM. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, học sinh, sinh viên theo học các ngành về kinh tế, quản trị, tài chính, ngân hàng, CNTT chiếm đa số. Trong khi các ngành khoa học cơ bản và khoa học xã hội thì luôn thiếu người học.

Thứ ba là những bất cập trong quá trình đào tạo. Giảng viên vừa thiếu, vừa yếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn rất sơ sài và người học thì chưa thực sự chủ động nắm bắt kiến thức. Đây chính là lỗi hệ thống của giáo dục Việt Nam.

PV: Nhiều người ví von, giáo dục Việt Nam hiện giống như một mớ bòng bong mà chính các nhà quản lý cũng đang loay hoay gỡ rối. Theo ông, để làm được điều này, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

TS. Lê Đông Phương: Một khi đã là mớ bòng bong thì có nhiều nút mở. Muốn tháo gỡ vướng mắc này cần phải cùng lúc tháo gỡ nhiều nút thắt. Nếu tôi là người được chọn và phải chọn một nút nào đó, tôi sẽ xóa bỏ việc giới hạn thời gian học, sẽ cố gắng để tạo nên một xã hội học tập tốt hơn. Ở đó mọi thành phần có thể tham gia việc học một cách chủ dộng.

Sẽ có người học tập trung trong ba năm ra trường, cũng sẽ có người học rải rác khi có điều kiện trong 5-10 năm. Người ta có thể học xong một tín chỉ, ra trường đi làm, thấy cần thêm kiến thức gì thì quay trở lại học tiếp. Đây cũng là mô hình đào tạo rất phổ biến tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Australia…

PV: Liệu rằng việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại của giáo dục nước nhà có phải là câu chuyện riêng của những nhà quản lý? Và trách nhiệm của học sinh, sinh viên-những người đang thụ hưởng nền giáo dục này là gì, thưa ông?

 

TS. Lê Đông Phương: Tôi có thể khẳng định, cải cách giáo dục không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức hay cá nhân nào cả. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có cả học sinh, sinh viên.

Muốn giáo dục chuyển biến tích cực, bản thân sinh viên phải là những người cần thay đổi trước tiên. Một câu hỏi mà tôi luôn gặp phải trước mỗi kỳ thi khi tham gia giảng dạy ở các trường ĐH, đó là: thầy cho chúng em giới hạn ôn tập. Tại sao không phải là thầy hãy thay đổi cách dạy, cách ra đề thi, cách chấm điểm thi đi, mà lại chỉ chăm chăm vào việc xin giảm nhẹ khối lượng kiến thức? Tại sao lúc nào cũng muốn học thật ít nhưng điểm phải thật cao? Các bạn không thay đổi thì 1 (một) chứ 10 bộ trưởng cũng chẳng thể cải thiện được giáo dục nước nhà.

Các bạn đừng đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục không tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn học tập. Ngày xưa chúng tôi đi học, sách và tài liệu tham khảo còn ít hơn bây giờ rất nhiều. Ở thời bao cấp, chúng tôi làm gì có thư viện, có máy tính, máy photocopy như bây giờ. Nhiều bạn bè của tôi đã phải cặm cụi thức trắng đêm cả tuần lễ để chép tay một cuốn sách. Vì sau đó phải trả lại để cho người khác mượn. Trong khi nhiều sinh viên (dù không phải tất cả) hiện có máy tính trong tay lại sử dụng chủ yếu để chat, chơi game, xem phim.  

Tôi xin viện dẫn một ví dụ như sau: Cách đây khoảng 10 năm, ĐH Đà Nẵng được một tổ chức của Mỹ viện trợ Trung tâm học liệu trị giá 5 triệu đô la. Một số tiền khổng lồ. Vậy mà sau một năm thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 14 người sử dụng trung tâm vào mục đích học tập, nghiên cứu.

Tôi không muốn chỉ trích bất cứ đối tượng nào mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, một nền giáo dục muốn thay đổi thì tất cả các thành tố trong nó cũng phải thay đổi theo.

Trên những lối riêng

PV: Trước mỗi mùa tuyển sinh, nhiều em lại gặp phải áp lực lớn với những lựa chọn về ngành học, trong đó có tác động không nhỏ từ định hướng của gia đình, bạn bè. Để rồi sau đó lại than phiền rằng, họ không được học đúng ngành mà bản thân thích. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

TS. Lê Đông Phương: Thực ra bản thân tôi cũng đã gặp phải trường hợp như bạn vừa nêu. Vấn đề ở đây chính là sự áp đặt của thế hệ trước với con cái mình. Chuyện học sinh bị bố mẹ định hướng phải thi trường này, phải học ngành nọ, ra trường phải làm ở đâu, trở thành người như thế nào đã trở thành câu chuyện phổ biến.

Bố mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho chúng ta nhưng chỉ chúng ta mới biết mình thực sự muốn dành cuộc đời mình cho điều gì. Tôi biết có những bạn còn dám dọa lại bố mẹ, rằng nếu không cho con học ngành này ngành kia thì sẽ bỏ học, hoặc khéo léo và chịu đựng hơn một chút là cứ học cái bố mẹ bảo nhưng rồi lại đi học ngành khác nữa.

Cái tư tưởng phong kiến đó đã hằn sâu vào một lớp thế hệ. Đây là nét văn hóa phong kiến, thiếu tiến bộ mà câu trả lời về sự thay đổi vẫn còn bỏ ngỏ. Tôi cho rằng đây là lỗi của người lớn.

Dẫu vậy, thật khó để thay đổi tư tưởng này của cả một lớp người. Cha mẹ nào cũng thương yêu con cái. Còn con cái thì phần lớn vẫn muốn giữ tròn đạo hiếu nên thường nghe lời nhiều hơn. Đây là nét văn hóa đẹp của người Việt ta, nhưng chính nét văn hóa này đang khiến một bộ phận thanh niên đi chệch hướng. Bởi lẽ ra họ đã có thể trở thành một người giỏi, một công dân đóng góp được nhiều cho xã hội nếu được làm đúng ngành nghề và phát huy được năng lực. Trong một chừng mực nào đó tôi cho rằng, nét nhân văn của người Việt Nam đang làm hại người Việt Nam.

PV: Và lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời là gì?

TS. Lê Đông Phương: Làm thế nào để vượt qua sự dìu dắt, trở che, đùm bọc của gia đình thực sự là một câu hỏi khó.

Tôi nghĩ rằng, chỉ tự bản thân mỗi người mới có thể tìm được câu trả lời đích đáng. Liệu bạn có hạnh phúc với lựa chọn của bố mẹ? Liệu bạn có muốn dành cả cuộc đời mình cho những điều khiến bạn không thực sự thích thú? Hay bạn vẫn có thể chấp nhận một cuộc sống như thế, chí ít là vì bố mẹ? Hãy tự trả lời những câu hỏi ngắn như vậy để tìm lối đi cho riêng mình.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 

 

 

Nguyễn Lâm Tùng (thực hiện)

 

Nguồn tin: http://giaoduc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây