NGÀY XUÂN DẮT CHÁU ĐI CHƠI

Chủ nhật - 30/01/2011 06:09 3.561 0
Đợt gió mùa đông bắc kéo dài đến mươi ngày rồi, nhiệt độ nhích dần lên. Trời Hà Nội mưa như là không mưa, thi thoảng lướt mỏng một làn sương nhẹ. Trời ấm lại, những bụi nước li ti rắc trên vai áo, trên những giải khăn voan, trên mái tóc bồng bềnh của các cô gái đi dưới trời xuân.
NGÀY XUÂN DẮT CHÁU ĐI CHƠI

Tôi rất may mắn vì bố mẹ đứa cháu học lớp 5 đi công tác xa, cháu được ở với chúng tôi. Gọi may mắn bởi vì sau khi nghỉ hưu, tôi và bà cháu là tỷ phú thời gian, có đứa cháu làm bầu bạn, có tiếng cười vui cửa vui nhà. Ngày xuân, tôi rủ cháu đi chơi. Hai ông cháu tôi đi thăm một cụ giáo già. Ông bà thương yêu cháu có khi hơn con. Về mặt tâm lý, tôi thấy hai ông cháu tôi có một chút tương đồng. Tình cảm là cái có trước, ý thức là cái phát triển sau này. Bọn trẻ giàu xúc cảm, ngây thơ và thật thà lắm. Cuộc sống của chúng thấm đẫm tình cảm trong khi đó ý thức chưa có đầy đủ. Ý thức của chúng tôi giờ thường suy giảm theo từng ngày tháng (quên quên, nhớ nhớ, có khi lú lẫn) ăn uống không nhiều, không thích con cháu lý sự, chỉ muốn sống có tình, có nghĩa...

Hai ông cháu dừng xe vào hàng phở, những tảng thịt bò luộc chín vàng mỡ gầu treo trên móc. Mùi nước phở thơm ngon. Tôi gọi hai bát phở chín gầu. Nhìn trên bàn bừa bãi, thằng bénhìn cái bàn nhếch nhác quá, nó gọi người phục vụ và bảo:

- Chị lau cái bàn đi !

Chị phục vụtủm tỉm cười, vừa bê chồng bát, vừa đi chị ta vừa nói :

- Học lớp mấy rồi mà nói như người lớn ấy !

Tôi nhìn cháu thăm dò phản ứng. Cậu ta nói có vẻ như thanh minh với tôi :

- Ông vẫn nói   “Khách hàng là thượng đế”phải không ạ ?

Tôi làm ngơ không trả lời, vắt cho cháu tí chanh và giục cháu ăn cho nóng. Tôi nhận thấy các cháu bây giờ khôn hơn, tự tin hơn thế hệ chúng tôi nhiều nhưng cũng không ít thiếu hụt... Trước đây ông cha ta có cái roi để răn dạy con cháu. Bây giờ các nhà giáo dục bảo mình phải vứt đi. Vậy là mình phải “đổi mới”cách dạy cháu thì chúng mới nghe. Tôi nói:

- Thượng đế ơi! Ta đi tiếp nhé ! Thượng đế nhớ ông dặn “Có những câu người lớn nói được, nhưng các cháu không thể bắt chước y xì người lớn được đâu! Gía mà cháu nói khiêm tốn hơn, chỉ cần thêm bốn từ thì người ta phải nghe và còn khen cháu ngoan đấy!”

- Bốn từ thế nào ạ ?

- À! Thêm bốntừ “Em muốn chị lau giúp em.... ”

 

Yên Phụ, Tây Hồ bây giờ thay đổi nhiều quá, đường rộng thênh thang, thi thoảng còn nhìn thấp thoáng thấy hình ảnh vườn đào vườn quất ngày xưa còn lại.Nhà cụ giáo Quý đã lên tầng, những cây đa cảnh, gốc đào thế, bể non bộ lá mượt xanh mát mắt. Lâu ngày không gặp, cụ giữ chặt tay cả hai ông cháu tôi. Hương vị của trời đất hóa thân vào chén trà xuân. Cụ hỏi chuyện cháu  “Cháu bao tuổi ? Có em chưa? Học lớp mấy?”Thế rồi chúng tôi say sưa ôn lại “chuyện xưa”. Cụ giáo đã quên mất  người khách thứ hai đang ngồi đó lắng nghe.

Thằng cháu có một thế giới hoạt động riêng của nó. Nó đang theo dõi con mèo cảnh tam thể rất đẹp đang ngồi cạnh cụ giáo khe khẽ kêu  meo! meo! như người nói thầm. Dưới đất là một  “cậu Vàng ”. Vàng gườm gườmnhìn con mèo, hậm hực lắm. Nhấp chén trà, tôi đọc tặng cụ một bài thơ vừa nghĩ ra. Nghe xong cụ sướng lắm, yêu cầu tôi đọc lại và cụ lụi cụi tìm giấy bút để ghi làm kỷ niệm. Thằng bé nhanh nhẩu:

- Thưa cụ! Cụ để cháu viết ạ!

Tôi bắt đầu đọc. Thằng cháu ghé vào tai tôi nói thầm  “Cháu mới học lớp năm, ông đọc chậm cho cháu chép bài nhé! Tôi đọc “TẶNG CỤ GIÁO LÀNG HOA”. Mỗi khi tôi đọc xong một câu thì cụ giáo lại chậm rãi nhắc lại lần thứ hai như đọc chính tả. Cháu viết xong, hai tay đưa bài thơ cho cụ. Cụ khen “Cháu giỏi! Chữ cháu viết đẹp lắm!” Thằng bé nghe cụ khen thích thú, cứ cười mãi.

Cụ rung rinh đôi chân gầy và đọc chọn bài thơ:

Tọa lạc trên quê xứ sở đào

Sông Hồng sóng đỏ vỗ lao xao

Con đê Yên Phụ trườn xa tắp

Cành quất Tây Hồ uốn thấp cao

Xuân hạ nhởn nhơ mời gió đến

Thu đông thỏa thích đón trăng vào

Xuân du thảo địa đề thơ tặng

Cụ giáo làng hoa Phúc, Lộc giao

Cụ phấn khởi bắt tay tôi và nói: “ Hôm nay, ông cho tôi vàng cũng không bằng!”

Chỉ một buổi sáng, trên đường về hai ông cháu tôi không biết bao chuyện để nói, để hỏi. Nó kể lại rằng “Khi bà giáo bê mâm cơm lên con mèo cứ ngoe nguẩy đuôi ngồi cạnh cụ giáo. Cậu Vàng ngồi chầu hầu dưới đất. Không biết thế nào mà cái đuôi của chú mèo thả lõng thõng xuống đất như hình số 6. Thấy vậy, chớp thời cơ, con Vàng đớp luôn đuôi mèo rồi kéo xuống. Bất chợt con mèo gào lên “ngoeo”, mắt xanh le tức bực, phun phì phì và nhảy vào lòng cụ giáo cầu cứu. Cháu buồn cười đến đứt ruột”.

Nói xong nó hỏi tôi :

- Ông biết tại sao chó lại đớp mèo không ạ?

Tôi giả vờ :

- Ông chịu! Thế cháu bảo tại sao nào?

- Thế là không công bằng ông nhỉ! Cháu mà là con Vàng thì cháu cũng làm thế! Con chó nó cảnh cáo mèo thôi chứ nó mà đớp thật thì cái đuôi cụt rồi.

Nghe cháu nói tôi bật cười:

- Thế cháu thích dùng bạo lực à ?

Thằng cháu phản biện luôn:

- Nhưng mà như thế là không công bằng!

Tôi nhẩn nha bảo nó:

- Con chó, con mèo cụ giáo đều quý cả, nhưng mỗi con quý một kiểu khác. Chó và mèo đều có tình cảm với chủ nhưng mèo thì khác.

- Ừ! Mèo có bản năng vồ mồi rất giỏi, chạy nhẩy rất nhẹ, gần như không có tiếng động. Không như chó, nó sạch lắm, biết giấu kỹ các chất thải khi đi vệ sinh, không ăn bẩn, thích được âu yếm, vuốt ve, nũng nịu. Ngồi cạnh chủ cứ “Grù, grù”, nịnh nọt có vẻ sung sướng lắm nên được người ta ôm ấp bồng bế … Chó thì chạy lung tung ông nhỉ, chân lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Thế tại sao người ta lại ví: “Cãi nhau như chó với mèo ạ ?”

- Chả là chú mèo thì nhỏ mà nhanh. Chó muốn dùng mèo làm con mồi để tập tấn công. Mèo bị chó đuổi, lúc bí leo lên cây, lên nóc tủ, quay lại nhìn chó miệng kêu “Meo…meo…” như thách đố. Trông vậy thôi nhưng chủ biết dạy bảo thì chúng cũng quý nhau lắm cháu ạ.

- Ông ơi…!

Thằng bé muốn hỏi nhiều nữa đây. Trả lời nó có mà mỏi miệng. Ngẫm ra, ông bà là trợ thủ đắc lực của bố mẹ các cháu, vốn sống dầy dặn và còn đọng lại rất nhiều tinh hoa của văn hóa dân tộc. Ông bà rất thương yêu cháu nên biết tìm ra cách dạy bảo. Làm cha mẹ mà không biết khai thác kho báu ấy quả là thiệt thòi cho con trẻ. Chuyện dông dài, hai ông cháu gần về đến nhà, tôi hỏi cháu:

- Cháu có biết vì sao mèo có ria không?

- Để làm gì hở ông?

- Ria của mèo là cần ăng-ten để nó bắt chuột. Cắt cụt ria nó đi thì thôi hết cả chuột với bọ. Độ dài của ria mèo bằng chiều ngang của thân mèo đấy, bởi thế khi nó đã chui đầu được vào gầm giường góc tủ nào thì cái thân nó cũng chui lọt, cho nên người ta bảo “Đầu xuôi thì đuôi lọt mà!”

Thằng bé nghe xong câu chuyện lạ, nó vỗ vào lưng tôi giục ông kể nữa. Để khơi dậy tính tò mò ham hiểu biết của cháu, tôi nói :

- Trong internet nhiều chuyện về mèo lắm! Cháu hãy tự tìm hiểu đi.

Chắc chắn tối nay cháu tôi sẽ dành thời gian chơi game để tìm trang Web về con mèo - tôi vừa mỉm cười vừa tự ngẫm nghĩ.

Tác giả: Lê Tiến Hùng

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 14+15 – tháng 1+2/2011

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây