THPT Yên Viên

http://thptyenvien.edu.vn


Con lười học... tại bố mẹ !

Lứa tuổi học sinh ham chơi hơn ham học thì ai cũng biết, tuy nhiên có không ít các bậc phụ huynh vì muốn con học giỏi, bằng bạn bằng bè nên áp dụng nhiều phương pháp quá cứng rắn để con sợ. Tuy nhiên, để tìm ra phương pháp học tập tốt nhất cho con là điều không dễ, nhất là đối với những trẻ đang học cấp 1.

 

Phụ huynh “khổ” vì con quá lười
 
Trên một diễn đàn về trẻ thơ,một  phụ huynh tên K có phàn nàn “con gái tôi đang học lớp 2, nhưng nó nghịch và rất bướng bỉnh. Chẳng bao giờ tôi nói được gì cả, đến lớp học thì tất cả các vở, chẳng vở nào làm đủ bài tập cô giao, chỉ viết được vài dòng thôi. 
 
Tối về ép mãi mới vừa học vừa chơi, có hôm 12 giờ mới xong hết bài. Được cái con tôi cũng sáng dạ, nên tự làm bài thôi, mình không phải hướng dẫn, nhưng cứ thế này tôi mệt mỏi quá. Hò hét lạc cả giọng nó cũng chẳng nghe, đánh cũng chẳng ăn thua”.
 
Cũng gần giống hoàn cảnh của phụ huynh K, đã học gần hết học kỳ 2 lớp 1 nhưng con bé anh Tâm mỗi tối bắt học bài thì lại diễn đủ mọi cảnh để không phải học, “cứ ngồi vào bàn học độ 10 phút, cháu nó lại nói đau đầu, có hôm thì đau bụng, lần đầu gia đình tưởng thiệt nên cho cháu nghỉ ngơi, ai dè mấy hôm sau cũng vẫn xảy ra tình trạng tương tự như vậy. Bây giờ vợ chồng tôi quá mệt mỏi về cháu”.
 
Hiểu con để dạy

Khi thấy con cái lười học, hầu hết các bậc phụ huynh thường giận dữ, quát mắng ép con phải học nhiều hơn. Thậm chí với những đứa trẻ ngang bướng thì bị áp dụng phương pháp trừng phạt như đòn roi, không cho ăn cơm hay doạ cho đi bụi đời… nhưng đó điều là những phương pháp sai lầm.
 
Theo các nhà tâm lý giáo dục, để giúp trẻ chăm học, trước tiên phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ lười học. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau như trẻ đang có vấn đề về sức khỏe hay đang bị một áp lực nào đó từ phía nhà trường, gia đình, bạn bè.
 
Anh Nguyễn Văn Hoàng (Phú Yên) - một phụ huynh cũng từng có con lười học chia sẻ, để tìm ra nguyên nhân, các bậc phụ huynh cần phải hiểu về con. Trước hết cần phải xem con bạn là đứa trẻ có cá tính hay đang gặp phải vấn đề tâm lý. Bởi vì có những cháu có cá tính thường muốn tạo ra sự khác biệt nổi trội ở lớp hay ở nhà. 
 
Có những cháu do cha mẹ bận làm, ít quan tâm tới cháu hơn hay ở lớp cháu gặp phải điều gì đó như bị bạn khác bắt nạt. Có nhiều cháu vì ở nhà con là nhất nhưng ở trường thì lại không được như vây nên thích quậy phá, ngỗ nghịch với bạn bè, thầy cô. 
 
Tuy nhiên cũng có trường hợp con bị bệnh nhưng bố mẹ lại tưởng lười học, đối với những trường hợp này, bác sĩ cũng đã khuyến cáo cha mẹ cần chú ý khi trẻ có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, bước đi lúc nhanh lúc chậm, loạng choạng. Trẻ có thể nhìn không rõ, hay cáu bẳn, chậm lớn hoặc không tăng cân nặng, chiều cao. Nếu trẻ ở tuổi đến trường thì chất lượng học tập sa sút, trẻ còn có biểu hiện mệt mỏi, hay ngủ gật thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám. 
 
Ép con học: Nên hay không?

Một nghịch lý khác cũng khá phổ biến ở các bậc phụ huynh là thường ép con học quá sức, để con không thua bạn bè, ngoài giờ học ở lớp, nhiều phụ huynh ép con học thêm hết giáo viên này đến giáo viên khác. Có phụ huynh lại hay đem kết quả của con so sánh với học sinh khác, sau đó chê bai, mắng trẻ nhằm gây sức ép để trẻ tiến bộ hơn.
 
Em Nguyễn Thị Thanh T. (học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Hưng Đạo, Phú Yên) cho biết, “ở nhà em cũng thường bị bố mẹ ép học quá nhiều, thời khóa biểu một ngày của em kín không có chỗ nghỉ ngơi, buổi sáng thì học ở trường, chiều có đến 2 lớp học thêm, buổi tối còn phải học bài từ 6 giờ đến 11 giờ em mới được đi ngủ”. 
 
Vì bị ép học nhiều nên nhiều học sinh nghĩ ra đủ mọi cách để đối phó, một em học sinh tâm sự “nhiều lúc mệt mỏi hoặc có khi bài tập làm đã xong nhưng bố mẹ vẫn cứ bắt phải học, bố mẹ bắt thì mình cũng lên bàn ngồi nhưng có học được đâu, hết bấm điện tử lại ngồi mơ mộng”.
 
Theo các nhà tâm lý giáo dục nhận định, sức học của các em học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố cơ bản dẫn đến tình trạng trẻ tiếp thu kém bài vở. Thứ nhất, thời gian nghỉ ngơi, vui chơi không đủ sẽ dẫn đến bị ức chế tinh thần, mệt mỏi và sau đó là tình trạng thiếu sức khỏe, không muốn tiếp tục học tập. Thứ hai, trẻ sinh ra vốn chậm chạp dẫn đến tình trạng trẻ lười nhác. Thứ ba, do trẻ quá hiếu động nên dẫn đến tình trạng ham chơi, không tập trung học hành.
 
Các nhà tâm lý giáo dục cũng cho biết, để các em học sinh học tốt hơn thì các bậc phu huynh phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, không nên ép buộc con học quá sức. Khi phê bình con bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, dùng lời nói khéo léo, nhẹ nhàng để chỉ dạy, thuyết phục trẻ. Trước khi phê bình cần biểu dương nhưng ưu điểm trẻ đã đạt được. Như thế chúng sẽ nhận lỗi dễ dàng hơn và có ý thức sửa chữa.

Tác giả: Hoàng Khánh

Nguồn tin: http://www.vnmedia.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây