THPT Yên Viên

http://thptyenvien.edu.vn


Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015

THỂ LỆ CUỘC THI “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” trên địa bàn thành phố Hà Nội Ban hành kèm theo Quyết định số 2368/QĐ-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” trên địa bàn thành phố Hà Nội
 






UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN TỔ CHỨC CUỘC THI TÌM HIỂU BỘ LUẬT HÌNH SỰ

 
 
 
 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


 
 
 

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2018
 
THỂ LỆ CUỘC THI
“Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” trên địa bàn thành phố Hà Nội
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2368/QĐ-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2018
của Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015”
trên địa bàn thành phố Hà Nội)

 
 
 

            I. Đối tượng dự thi, hình thức, nội dung thi
         1. Đối tượng:
          Là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo, tổ giúp việc và những bộ phận cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi).
         2. Hình thức thi:
          - Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm, lý thuyết và tự luận cho các cá nhân.
          - Người dự thi cần trả lời đầy đủ các câu hỏi của cuộc thi; trình bày khoa học, rõ ràng. Ban tổ chức khuyến khích bài thi trình bày mở rộng, sáng tạo, có tranh ảnh minh họa.
           3. Nội dung thi:
          - Đề thi gồm 03 phần thi với 35 câu hỏi, cụ thể như sau:
          + Thi trắc nghiệm: gồm 30 câu. Người dự thi chỉ cần khoanh tròn vào phương án đúng.
          + Thi viết: gồm 04 câu (phần dành cho người dự thi dưới 18 tuổi và từ đủ 18 tuổi trở lên). Người dự thi đối chiếu với các quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) để trả lời.
          + Thi tự luận:  01 câu. Người dự thi căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10, Luật  số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 1999) và  Bộ luật Hình sự năm 2015 để trả lời, có phân tích, đánh giá những nội dung mới cơ bản.
         4. Thời gian, địa điểm tiếp nhận bài dự thi:
          a) Thời điểm kết thúc nhận bài dự thi:  Trước 17h00 ngày 14/8/2018.
          b) Địa điểm, thời gian tiếp nhận bài dự thi:
          - Đối với người dự thi là nhân dân trên địa bàn Thành phố nộp bài dự thi tại UBND xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú;
          - Đối với người dự thi là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố nộp bài dự thi tại cơ quan, đơn vị mình công tác, làm việc;
- Đối với học sinh từ 14 tuổi trở lên dự thi mà đang học tại các trường học  trên địa bàn thành phố thì tập hợp bài thi nộp cho nhà trường để trường nộp cho UBND xã, phường, thị trấn nơi trường đặt trụ sở (theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo).
          II. Bài thi hợp lệ và không hợp lệ:
         1. Bài thi hợp lệ: Trình bày trên giấy cỡ A4 hoặc bài dự thi trên khổ A4 nhưng kèm theo cỡ giấy khổ rộng khác để phục vụ minh họa cho bài dự thi; điền đầy đủ thông tin cá nhân theo mẫu do Ban tổ chức phát hành (thí sinh có thể photo thêm giấy thi để trả lời các câu hỏi ở phần thi viết và tự luận);
          - Bài dự thi phần thi lý thuyết và tự luận được viết tay hoặc đánh máy bằng tiếng Việt, có dấu, sử dụng phần mềm soạn thảo Microsoft Word, font chữ: Times New Roman, bảng mã: Unicode, kiểu gõ: Telex.
          2. Bài dự thi không hợp lệ: Bài dự thi trình bày trên khổ giấy không phải A4; bài photocopy; bài sao chép giống 100% bài dự thi của người khác (Trường hợp này cả hai hoặc nhiều bản giống nhau 100 % đều bị loại); bài thi sử dụng tiếng nước ngoài; nộp quá hạn so với quy định.
          III. Cách thức chấm vòng sơ khảo và vòng chung khảo:
          1. Vòng Sơ khảo:
          - UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức chấm Sơ khảo đối với các bài dự thi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Mỗi quận, huyện, thị xã chọn 130 bài dự thi (gồm 100 bài dự thi của thí sinh 18 tuổi trở lên và 30 bài của thí sinh dưới 18 tuổi), đáp ứng đúng Thể lệ, có số điểm cao (lấy từ cao xuống thấp) của địa phương mình gửi về Sở Tư pháp Hà Nội.
          - Ban Giám khảo cuộc thi cấp Thành phố chấm Sơ khảo bài dự thi do các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố gửi về Sở Tư pháp, lựa chọn 200 bài dự thi điểm cao để chấm Chung khảo.
          2. Vòng Chung khảo:
          - Ban Giám khảo Cuộc thi Thành phố tổ chức chấm Chung khảo đối với 200 bài thi đạt điểm cao của các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và 3.900 bài dự thi do quận, huyện, thị xã chấm sơ khảo gửi về Sở Tư pháp.
3. Điểm thi và phương pháp tính điểm:
a) Điểm thi: Tổng điểm tối đa của bài thi là 100 điểm, trong đó:
          - Nội dung ( 90 điểm):
          + Phần thi trắc nghiệm: 45 điểm (30 câu, mỗi câu 1,5 điểm).
          + Phần thi viết: 20 điểm (04 câu, mỗi câu 5 điểm).
          + Phần thi tự luận: 25 điểm (01 câu).
           - Trình bày, minh họa: 10 điểm.
          b) Phương pháp tính điểm
          - Tại vòng chấm Chung khảo: Mỗi bài thi có 02 Giám khảo chấm
          - Tổng điểm của bài thi là điểm Trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo chấm điểm cho bài thi đó.
- Trong trường hợp điểm của 02 Giám khảo chấm 01 bài thi chênh lệch nhau từ 05 điểm trở lên thì Trưởng Ban Giám khảo phân công thêm Giám khảo khác chấm điểm lại đối với bài dự thi đó, điểm của bài thi là điểm Trung bình cộng của các Giám khảo chấm bài thi đó.
4. Quy định đối với Ban Giám khảo:
- Bảo đảm chấm thi khách quan, trung thực, công bằng, đúng bảng chấm điểm. Sau khi chấm thi vòng Chung khảo, Ban Giám khảo tổng hợp đánh giá kết quả chấm thi, báo cáo Ban Tổ chức phân định giải (bao gồm giải tập thể, giải cá nhân).
IV. Kinh phí tổ chức cuộc thi : Từ nguồn kinh phí của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố năm 2018 và nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.
          V. Cơ cấu giải thưởng:
          Các cá nhân, tập thể đạt giải thưởng được trao giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi và phần thưởng; trị giá cụ thể từ nguồn ngân sách cho từng giải như sau:
          1. Giải tập thể: Dành cho các cơ quan, tổ chức, địa phương có số người tham gia dự thi cao nhất, nộp bài đúng hạn, có hình thức tổ chức tốt việc tuyên truyền về cuộc thi, có nhiều cá nhân đạt giải cao.
          - 03 giải nhất mỗi giải 5.000.000 đồng;
          - 07 giải nhì mỗi giải 3.500.000 đồng;
          - 10 giải ba mỗi giải 2.500.000 đồng;
          2. Giải cá nhân:
          - 01 giải đặc biệt: 5.000.000 đồng;
          - 03 giải nhất mỗi giải 3.000.000 đồng;
          - 07 giải nhì mỗi giải 1.500.000 đồng;
          - 20 giải ba mỗi giải 1.000.000 đồng;
          - 35 giải khuyến khích mỗi giải 500.000 đồng;
          Mức giải thưởng của tập thể và cá nhân đạt giải của cuộc thi còn được bổ sung từ nguồn xã hội hóa (nếu có).
          VI. Các nội dung liên quan đến Tổng kết và trao giải:
          - Lễ tổng kết và trao giải: Trong dịp cao điểm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2018 (Dự kiến từ ngày 01 đến ngày 09 tháng 11 năm 2018).
          - Trường hợp Người dự thi không tới nhận giải, Ban tổ chức sẽ gửi giấy chứng nhận và tiền thưởng qua đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên bài dự thi.
          - Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố (https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/).






 
TM. BAN TỔ CHỨC
TRƯỞNG BAN
                                  (đã ký)
 
 
 
 
PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ
Lê Hồng Sơn
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
         
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây