Ca dao xưa có câu:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Được coi trọng như vậy bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực. Không những nắm đạo lý mà người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người thầy. Người chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Được coi trọng như vậy, người thầy phải đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về nhân cách. Người thầy phải là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở phạm vi trường học mà còn ở mọi nơi, mọi lúc, trong gia đình và ngoài xã hội.
Ở nước ta có nhiều bậc thầy cao quý như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu... Chính những bậc thầy như vậy đã làm rạng danh đất nước ta, dân tộc ta.
Thầy giáo mang quân hàm xanh bế HS qua suối đến lớp. Ảnh: Văn Thọ |
Nhà giáo được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học được vinh danh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Ngày nay có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác – những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Những người thầy ấy luôn được coi trọng. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi người chúng ta.
Như thế, nét đẹp truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã có từ ngàn xưa và được bảo tồn cho đến ngày nay. Nét đẹp ấy đã được các thế hệ người Việt Nam chúng ta kế thừa, vun đắp, phát huy bằng những thể hiện trong các chủ trương chung cũng như trong những việc làm cụ thể thường ngày. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/ 11 chính là dịp quan trọng để tình cảm thiêng liêng dành cho người thầy được thể hiện. Bởi vậy, vào những ngày này, khi mà ngày lễ lớn của các thầy giáo, cô giáo đến gần, các bậc phụ huynh cùng học sinh và tất cả những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường đều hướng tới các thầy, các cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình với những tình cảm kính yêu, trân trọng, chân thành. Những bó hoa tươi thắm, những cánh thiếp chúc mừng được chuẩn bị. Thời đi học chợt hiện về, lung linh những sắc màu kỷ niệm. Có thể nói ngày 20/ 11 đâu chỉ là ngày lễ của các thầy, cô mà còn là ngày hội của mỗi chúng ta bởi hầu như ai chẳng có một thời cắp sách đến trường.
Năm nay, ngày 20/ 11 dường như đến sớm hơn với đợt gió mùa đông bắc đầu mùa tràn về sớm hơn năm trước. Gió mùa đông bắc ùa đến mang theo những cơn mưa rào tuy ngắn nhưng khá ào ạt. Lòng chúng ta lại hướng về miền Trung, nơi vừa phải gánh chịu trận lũ kép kinh hoàng. Lũ chồng lũ đã tàn phá nhiều huyện, xã thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Mưa lũ lại hoành hành tiếp ở Nam Trung bộ. Lũ cuốn trôi và làm hư hỏng nhà cửa, tài sản, vật dụng sinh hoạt, cướp đi sinh mạng người dân, gia súc, triệt hại hoa màu... Riêng đối với giáo dục, mưa lũ làm sụp đổ, hư hỏng trường lớp, nhà công vụ của giáo viên, hủy hoại trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa... Tổng thiệt hại của giáo dục do trận lũ kép vừa qua ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ước tính bước đầu khoảng 705 tỷ đồng. Điều đau xót là nhiều giáo viên và học sinh đã bị mất trong mưa lũ. Trong cuộc chiến đấu với mưa lũ ở miền Trung vừa qua đã nổi lên những tấm gương sáng ngời của nhiều thầy giáo, cô giáo – những con người bình dị ngày thường đã có những hành động thật anh hùng trong trận chiến với thiên tai. Đó là cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên Trường mầm non Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh, vì lao đi giữa dòng nước lũ để cứu tài liệu dạy học mà bị lũ cuốn trôi. Đó là thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình Nguyễn Minh Hữu đã vật lộn suốt 15 tiếng đồng hồ trong mưa lũ cứu hơn 50 người thoát chết... Tấm gương xả thân vì nghĩa của các thầy, các cô đã tô đậm thêm hình ảnh cao đẹp của người thầy trong sâu thẳm tâm thức và tâm cảm của người miền Trung và đồng bào cả nước.
Tri ân thầy cô trong ngày 20/11 |
Những thành tựu mà giáo dục nước ta đã đạt được cho đến nay đã ghi đậm dấu ấn, công lao của bao thế hệ nhà giáo. Nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới mạnh mẽ. Đội ngũ một triệu giáo viên, giảng viên của cả nước với tâm huyết, năng lực, ý thức trách nhiệm và tinh thần nỗ lực đang là chủ thể, lực lượng và động lực to lớn tạo ra sự chuyển biến phát triển của nền giáo dục nước nhà. Nhân ngày 20/ 11, xin kính gửi tới các thầy, các cô những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất. Hướng về các thầy, các cô với tấm lòng thành kính, những học trò hôm qua và những học trò hôm nay đã, đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lý: Uống nước nhớ nguồn.
Tác giả: NDB
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại
Ý kiến bạn đọc