Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thầy dạy sử, Người viết sử và làm nên lịch sử Đất Việt

Thứ sáu - 18/06/2010 18:49 2.762 0
Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta. Người Anh cả ấy là thầy dạy sử, người viết sử và cũng là một trong những người làm nên lịch sử hào hùng của đất Việt trong thế kỷ XX.

Người “Anh cả” ấy đã xây dựng và chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam từ một đội quân du kích nhỏ bé với vỏn vẹn 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ trở thành những trung đoàn, đại đoàn tinh nhuệ làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm châu “chấn động Địa cầu” và vươn lên chính quy hiện đại với những sư đoàn, binh đoàn hùng mạnh mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để làm nên Mùa Xuân đại thắng 1975. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và chiến đấu, đội quân “vì nhân dân quên mình” đó đã đánh bại “hai đế quốc to”, giành lại độc lập thống nhất vẹn toàn, được nhân dân ta gọi bằng một cái tên vô cùng trìu mến - “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công đầu trong việc tạo nên hình ảnh đẹp đó qua “Mười lời thề danh dự” của Quân đội nhân dân Việt Nam do chính ông soạn thảo.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông viết: “Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại mới”. Phiđen Caxtrô, lãnh tụ thiên tài của Cu Ba đã đánh giá: “Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy”. Nhân tố quyết định đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong chiến thắng vẻ vang này, nhà lãnh đạo quân sự cao nhất - Tổng tư lệnh, Tư lệnh chiến dịch - lại là một vị tướng nguyên là một thầy giáo dạy sử. Chắc rằng vị tướng ấy trong những “đêm trắng” trăn trở với sách lược chiến thắng của các bậc tiền bối anh hùng như Bình Định vương Lê Lợi, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.... đã đưa ra được một “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của mình là từ phương án tranh thủ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định lịch sử vô cùng sáng suốt đã hạn chế được bao xương máu của các đồng chí, đồng bào để sau 56 ngày đêm “gan không núng, chí không sờn”, các anh hùng Điện Biên đã phất cao cờ chiến thắng vào chiều 7/ 5/1954 lịch sử.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 để giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông đã tự tay viết điện gửi các đơn vị đang trên đường ra mặt trận: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ phút, xộc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng... Văn”. Mệnh lệnh chiến đấu của ông tựa như một lời “hịch” hào hùng, cổ vũ động viên các chiến sĩ không ngại khó khăn gian khổ để cuối cùng cánh cửa sắt Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của Ngụy quân Sài Gòn đã bị đè bẹp dưới xích sắt của xe tăng “Quân giải phóng - Bộ đội Cụ Hồ”, cờ Chiến thắng lại một lần nữa ngạo nghễ tung bay báo hiệu giờ cáo chung của Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước lại thống nhất vẹn toàn sau 30 năm đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc ta.

Con người của ông có cốt cách của một vị tướng tài thao lược, nhưng cũng thấm đẫm chất Nhân văn, “là chính ủy của các chính ủy”, “là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của từng chiến binh” (cố Thượng tướng Trần Văn Trà).

Quân hàm Đại tướng mà ông mang trên vai suốt 72 năm nay cũng là một kỳ tích mà chưa có vị tướng nào trên Thế giới sánh được và xứng đáng được ghi tên vào Guinnes! Nhưng trên hết tất cả những điều đó ông là “tướng trong lòng dân”, là một trong những “Anh bộ đội Cụ Hồ” khiêm tốn nhất nhưng đồng thời cũng là đẹp nhất của những mỹ từ này!

Trong những gương mặt lớn của sử học Việt Nam thế kỷ XX ngoài Phan Bội Châu, Nguyễn Áí Quốc, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu... còn có một gương mặt lớn nữa mà có thể vì hào quang rạng rỡ của một danh tướng đã che lấp. Đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người có lương duyên suốt đời với sử học; lúc trai trẻ là thầy giáo dạy sử, được Bác Hồ sáng suốt “chọn làm người phụ trách công tác quân sự của Đảng ta” đã là “một trong những con người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy lịch sử”, “người ấy sẽ xuất hiện trước toàn thế giới như vị tướng quân đội sơ khai nhưng đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây” (Peter MacDonald - một vị tướng kiêm sử gia người Anh).

Luật sư Vũ Đình Hòe, một nhà lão thành cách mạng đã phân tích nguyên nhân của “tầm cao tư duy” của Đại tướng, đó là sự kết hợp hài hòa giữa tư duy luật học với tư duy nhà lịch sử. Điều đó đã lý giải trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh vì sao một Nhà giáo, một sinh viên Luật, một Nhà sử học lại có thể trở thành một Nhà quân sự lỗi lạc Việt Nam, một Danh tướng “tầm cỡ thế giới từ thời cổ đại đến ngày nay” (Tân Bách khoa toàn thư của nước Anh - tập 10, 1985). Bách khoa toàn thư quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ (1993) viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”. Năm 2010, Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông gắn liền với kỷ niệm 35 năm ngày đại thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, chúng ta càng hiểu rõ và kính phục đức độ, cốt cách thanh cao không màng danh lợi cũng như tài năng thiên phú về mọi mặt của ông - đó là kết tinh của tinh hoa dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Chúng ta hiểu rõ vì sao ông là “Nhân chứng lịch sử”, Người viết sử, một trong những Người làm nên Lịch sử vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX lại trường thọ đến như vậy. “Giáp vẫn luôn luôn còn đó, tràn đầy nhiệt tình và nghị lực. Những chiến thắng đã là một liều thuốc bổ mạnh mẽ cho tâm hồn. Những chiến thắng đã làm nên sức khỏe của ông” (Peter MacDonald - Đại tướng kiêm sử gia nước Anh).

Khi tâm sự với các đồng nghiệp học trò của mình, Giáo sư Trần Văn Giàu cho biết: Vài trăm năm sau, khi người ta nhắc đến Việt Nam thế kỷ XX thì chắc chắn hai tên tuổi đậm nét nhất là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, vì đó là hiện thân cho hai thế hệ tiếp nối nhau làm nên lịch sử của một thế kỷ hào hùng và một thời đại vẻ vang của dân tộc – “thời đại Hồ Chí Minh” quang vinh.

Tác giả: Th.s: Võ Quốc Hiển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây