Người Thầy của "Làm nghìn việc tốt"

Thứ hai - 28/06/2010 09:42 3.034 0
-Tên tuổi và sự nghiệp của AHLĐ - NGND Nguyễn Đức Thìn đã được nhiều người, đặc biệt nhiều thế hệ thanh thiếu niên trên cả nước biết đến như một người thầy tâm huyết, người thầy giáo của sáng kiến "Nghìn việc tốt". Ông là một thầy giáo tài hoa, luôn biết trân trọng và phát huy giá trị truyền thống. Nhiệt huyết ấy đã luôn toả sáng trong ông ngay cả khi đã ở tuổi nghỉ hưu - làm một người viết sử Đền Đô.
Hưu mà chưa nghỉ, Nguyễn Đức Thìn vẫn luôn nhiệt tình vì trẻ, gắn bó với đàn em ở nhiều nơi, cùng vui say Thi đua Nghìn việc tốt.
Hưu mà chưa nghỉ, NGND Nguyễn Đức Thìn vẫn luôn nhiệt tình vì trẻ, gắn bó với đàn em ở nhiều nơi, cùng vui say Thi đua Nghìn việc tốt.

Thầy giáo trường làng

NGND Nguyễn Đức Thìn sinh năm Canh Thìn - 1940 ở Đình Bảng, nơi phát tích Vương triều Lý. Tuổi thơ, cậu bé Thìn đã chứng kiến máy bay của thực dân Pháp ném bom xuống làng, bao vây tấn công rồi chiếm đóng làng, bắt bớ tra tấn, giết hại nhiều người. 11 tuổi, cậu bé Thìn tham gia Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, bí mật cùng nhân dân hoạt động lòng địch để giải phóng quê hương.

Hè năm 1958, học xong cấp II, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thìn về làng tham gia làm Tổ trưởng giáo viên Mẫu giáo Vỡ lòng, Tổ trưởng giáo viên Bình dân học vụ, Tổ trưởng Thông tin Văn hóa và phụ trách thiếu nhi ở xã. Ở cương vị nào, chàng thanh niên Thìn cũng gắng làm tốt và được kết nạp vào Đoàn, được Bộ Giáo dục tặng tấm Chân dung Bác Hồ ký tặng Chiến sĩ diệt dốt đúng dịp tròn 18 tuổi. Lúc này anh giáo làng càng ước mơ được trở thành giáo viên thực thụ, truyền bá kiến thức cho những bà con nông dân  yêu quí , nhất là cho đàn em thân yêu.

Ước mơ ấy trở thành hiện thực kể từ tháng 9/1959, Nguyễn Đức Thìn là giáo viên dân lập, kiêm Bí thi Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội thiếu niên trường cấp I Đình Bảng và cũng đã học xong chương trình bổ túc cấp III. Ngoài giờ học ở lớp, thầy Thìn thường hay hướng dẫn học sinh hoạt động ngoại khóa. Thầy trò cùng vui mà học, học mà vui, thi đua cùng học tốt.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhận cuốn tự truyện
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhận cuốn tự truyện " Chuyện cuộc đờì" do AHLĐ NGND Nguyễn Đức Thìn kính tặng

Năm 1961 thầy Thìn được đề bạt đến công tác tại trường cấp II Tam Sơn vừa có quyết định thành lập. Tam Sơn trong lịch sử khoa bảng là đất Tam khôi. Một làng từng có hai trạng nguyên là Nguyễn Quán Quang và Ngô Miễn Thiệu, có tới 19 vị Tiến sĩ là những thám hoa, bảng nhỡn. Đây còn là quê hương nhà cách mạng tiền bối, thầy giáo Ngô Gia Tự.

Với niềm đam mê và lòng yêu nghề của một thầy giáo trẻ đang độ trưởng thành, thầy Thìn đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, thành lập tại trường một Chi đoàn Thanh niên Lao động, một Liên đội Thiếu niên tiền phong mang tên Ngô Gia Tự. Thầy Thìn đã đề xuất hoạt động "Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự", rèn luyện mình và tập thể "Noi gương Ngô Gia Tự đi Đường cách mạng của Bác Hồ", được bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao, được nhiều trường bạn cùng hưởng ứng thành phong trào sâu rộng. Từ hứng khởi đó, thầy Thìn tâm đắc đề ra "5 sáng tạo trong dạy và học" không chỉ có ý nghĩa thiết thực lúc bấy giờ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị...

Mục tiêu mà thầy Nguyễn Đức Thìn luôn phấn đấu là hướng tới một nền giáo dục toàn diện: Dạy người, dạy chữ, dạy nghề, hướng học sinh tới điều Chân - Thiện - Mỹ. Hoạt động "Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự" đã khơi nguồn cho bao ngọn đèn tri thức và lòng nhân ái xuất hiện thời kỳ đó. Bắt đầu từ Tam Sơn, các hoạt động: "Đọc - học tập và làm theo sách báo", Sinh hoạt chủ đề " Tiến lên đoàn viên", "Em yêu quê hương", "Vì vinh dự Độ"... được nhân lên và trở thành phong trào chung của thiếu nhi nhiều nơi. Là người tận tuỵ hết lòng với học sinh, người anh gần gũi mà thân thương, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng thầy Thìn đã thực hiện thành công vai trò của người đi thắp lửa, thắp sáng niềm tin, đưa học sinh đến với những chân trời kiến thức.

Năm năm sau ngày đứng trên bục giảng, xuân 1963, thầy Nguyễn Đức Thìn xây dựng thành công phép tính số học làm người "Làm Nghìn việc tốt, cùng trừ việc xấu, cộng nhân yêu thương, chia niềm thông cảm" để mỗi người thêm gắn bó và cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Đây cũng chính là nội dung chủ đạo của phong trào "Thi đua làm Nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ" do thầy Thìn phát động năm 1963.

Lúc tổng kết, điểm bích báo của trường, thấy có ý hay :"Làm nhiều việc tốt bao nhiêu / Bác Hồ càng mến càng yêu em nhiều", thầy Thìn khuyên đàn em làm Nghìn việc tốt. Trên quê hương Tam Sơn, Nghìn việc tốt nhanh chóng thành phong trào chung có sức lan toả, thu hút hàng triệu đội viên tham gia và trở thành hoạt động chung sôi nổi của thiếu nhi miền Bắc và rồi cả nước. Qua đó, thầy Thìn đã vinh dự đại diện cho tập thể giáo viên trường Tam Sơn đến nhiều miền đất nước để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm hoạt động Đội cũng như cổ vũ thực hiện mục tiêu giáo dục ngay từ trường phổ thông. Đề tài này theo bước thầy Thìn đến với thiếu nhi Quốc tế ở  Ber lin (Đức) năm 1971, Ulanbato (Mông Cổ) năm 1975, Viên Chăn (Lào) năm 1988...

Người thắp ước mơ ngôi trường « phong » Lê Văn Tám

Khi tài năng đang vào độ chín thì thật không may, Nguyễn Đức Thìn phát hiện bị mắc bệnh phong, người đời gọi là bệnh "hủi", căn bệnh mà cả xã hội lúc đó còn nhiều định kiến xa lánh.

Đau đớn, buồn chán, nhưng thầy Thìn đã không cho phép mình suy sụp, bản lĩnh nhà giáo cho thầy sức mạnh không được buông xuôi cuộc đời. Khi thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thụ trao cuốn sổ tay, đề: "Tặng bạn chiến đấu Nguyễn Đức Thìn - Sức sống diệu kỳ / Mạnh hơn cái chết / Có những con người không bao giờ chấm hết / Đảng đã cho ta mọi thứ trên đời" , thầy Thìn nhận và ghi ngay vào dưới lời thầy hiệu trưởng, như để hứa với các bạn và đàn em: "Con chim xanh gãy cánh / Không còn bay cao xa / Nhưng là người Cộng sản / Đời vẫn rộn tiếng ca".

Vào Khu điều trị phong - da liễu Trung ương ở Quỳnh Lập (Nghệ An) được ít ngày, bằng cảm quan của một nhà giáo, ông nhận thấy nơi này dường như đang bị tách biệt cộng đồng, nhất là chuyện học hành của 150 con em bệnh nhân. Một ý tưởng mới chợt đến, được sự ủng hộ của Giám đốc - Bác sỹ Trần Hữu Ngoạn, thầy Thìn quyết tâm vận động mở trường bên bờ biển, cùng các đồng nghiệp, đồng bệnh đang điều trị ở đây được phép của thầy thuốc vừa điều trị, vừa công tác.

Ngày 5.9.1979, cùng với học sinh cả nước đến trường khai giảng năm học mới, trẻ em Khu điều trị bệnh phong - da liễu Quỳnh lập cũng nô nức rủ nhau tới trường mới mang tên Lê Văn Tám. Ngôi trường nơi thầy Thìn cùng những nhà giáo, những nhà khoa học không may bị bệnh vào đây điều trị tự nguyện làm thầy giáo dạy dỗ, nâng bước cho các em học để rồi được vào đời.

Cũng từ đó, Khu điều trị được biết đến không chỉ qua thành tích học tập của con em bệnh nhân, đó còn là sự dũng cảm chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, phá vỡ những mặc cảm, nghi ngại của nhiều bệnh nhân. Làm Hiệu trưởng kiêm Tổng phụ trách đội trại Phong trường Lê Văn Tám, thầy Thìn đã vừa điều trị bệnh vừa công tác tốt, làm bí thư chi bộ bệnh nhân, trưởng ban Văn hóa " Làng Quỳnh yêu thương".

Phương thức kỳ diệu nào cũng cần tới lòng lạc quan, vui sống, mặc dù di chứng bệnh tật đã khiến cho đôi bàn tay của thầy không còn lành lặn như xưa, những bù lại, ý chí và nghị lực trong ông như được nhân lên gấp bội. Ông là Nhiệt Cảm Sinh đối nhân khác thời của Hàn Mặc Tử, làm thơ để nhân lên niềm tin yêu con người và cuộc sống. Biến rủi thành may, những ngày ở Quỳnh Lập, thầy Thìn yên tâm điều trị, vừa chữa bệnh vừa làm việc hiểu thêm nhiều điều, nhất là khát vọng sống đẹp. Ông cũng là đại diện của người bệnh dự "Hội nghị Khoa học và nhân đạo về bệnh phong" do Bộ Y tế tổ chức ở Quỳnh Lập, tham luận góp tiếng nói về xóa bỏ thành kiến không khoa học, không nhân đạo về bệnh phong, đề xuất những ý kiến cụ thể thiết thực về tổ chức cuộc sống điều trị và cuộc sống xã hội cho những người mắc bệnh phong.

PTT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhán nghe AHLĐ NGND Nguyễn Đức Thìn đề đạt nguyện vọng của Cựu giáo chức
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nghe AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn đề đạt nguyện vọng của Cựu giáo chức tại Đền Đô

Sau bốn năm ở Quỳnh Lập, không để phí một ngày (từ 8.1.1979 đến 8.1.1983), Nguyễn Đức Thìn chia tay Quỳnh Lập trở về với mái trường Tam Sơn, cùng tập thể vui mở hội truyền thống Nghìn việc tốt lần thứ 20. Rồi từ năm 1983 thầy Thìn về với mái trường của quê nhà Đình Bảng, nơi ông bắt đầu sự nghiệp trồng người. Đến năm 1992 ông về nghỉ hưu.

Khởi đầu từ một giáo viên Bình dân học vụ, Mẫu giáo Vỡ lòng, Nguyễn Đức Thìn đã không ngừng học hỏi, phấn đấu và trở thành một nhà khoa học của ngành giáo dục với hơn 30 đề tài được áp dụng và phổ biến rộng rãi trong ngành; trong đó, 4 đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Năm 1985, nhà giáo Nguyễn Đức Thìn được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý AHLĐ, được báo cáo điển hình trong Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 5 (tháng 1/1986). Tiếp đến năm 1988, ông được phong tặng danh hiệu NGND đợt I, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhì và Huân chương Lao động hạng nhì, được Bộ GD&ĐT trao tặng huy chương Vì sự nghiệp GD&ĐT, Trung ương Đoàn tặng huy chương Vì thế hệ trẻ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông “Từ” gữi “lửa” Đền Đô

Thầy Thìn nay đã bước vào tuổi “Nhân sinh Thất thập cổ lai hy”.  Nghỉ hưu nhưng đâu đã nghỉ việc. Hiện thầy vẫn là nhà hoạt động xã hội: Là ủy viên UBMTTQ, ủy viên HĐGD, ủy viên BCH Hội khuyến học, ủy viên BCH Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, và kiêm nhiệm nhiều công việc của thị xã Từ Sơn, của phường Đình Bảng, hội viên Hội Di sản Văn hóa, hội viên Hội Sinh Vật cảnh... Thầy Thìn còn là thầy giáo danh dự của nhiều trường. Ông là nhà sử học với cái tên Lý Hiếu Nghĩa, luôn lăn xả vào cuộc sống đi sâu tìm hiểu về vương triều Lý, sưu tầm các hiện vật, tư liệu phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn di tích Đền Đô. Ông viết hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo, chụp hàng nghìn bức ảnh... cho in để tuyên truyền.

Cuốn sách "Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô" ông viết trên 300 trang, nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc đã in 6 lần. Về hưu nhưng chưa nghỉ, hiện ông đang tham gia Ban quản lý di tích phường Đình Bảng, tổ trưởng tổ hướng dẫn du lịch Đền Đô. Là người thường xuyên được tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước khi các đồng chí về dâng hương tại Đền Đô. Đây vừa là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của “ông Từ Đền Đô”.

Hiện tại, ông vẫn đang đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên kế cận, những người sẽ cùng người thầy giáo Anh hùng tiếp tục “giữ lửa” Đền Đô.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã thành công khi chân thành viết cuốn “Tự truyện Chuyện cuộc đời” dày tới 400 trang. Hai năm qua, NXB Thanh niên đã in tới 5 lần, phát hành rộng rãi, được nhiều người quan tâm đón nhận, đặc biệt được nhiều bạn trẻ đọc làm hành trang vào đời. Ông tự thể hiện mình trong phim phóng sự "Sứ giả Nghìn việc tốt" của đài truyền hình Bắc Ninh, Huy chương bạc phim video toàn quốc năm 2009, là " Người thắp lửa" trong phim nhựa đạt giải Cánh diều vàng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương năm 2010. Trong phim này, ông đã viết thơ hiện lên màn ảnh:" Con người như giọt nước / Trong mênh mông biển đời / Khổ đau và hạnh phúc / Xin đừng khinh bỏ nhau / Hãy thắp lửa nhân ái / Cho cuộc đời bớt đau " .

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây