Yên Viên - Ngôi trường giàu truyền thống của vùng Bắc Đuống

Thứ tư - 18/11/2020 01:33 2.969 0
Nằm bên kia sông Đuống, trường THPT Yên Viên với bề dày truyền thống đã trải qua 55 xây dựng và trưởng thành. Từ đây, biết bao thế hệ học trò của trường đã lớn lên và góp sức vào công cuộc kiến tạo đất nước phồn vinh.

Những ký ức không thể phai mờ

Trong ký ức của nhà giáo Tô Thị Nhạn, nguyên Phó hiệu trưởng trường THPT Yên Viên giai đoạn 1975 – 1990, thầy và trò trường đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu thành lập. Đó là thời điểm tháng 8/1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, 8 lớp học của trường Cấp III Nguyễn Gia Thiều sơ tán về xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, lấy tên là trường Cấp III Nguyễn Gia Thiều B. Sau trận lụt lịch sử năm 1971, trường chuyển về địa điểm thị trấn Yên Viên và mang tên Trường Cấp III Yên Viên nay là trường THPT Yên Viên.

Bà Tô Thị Nhạn, nguyên Phó hiệu trưởng trường THPT Yên Viên kể về truyền thống nhà trường cho lớp lớp thế hệ học sinh

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nhạn bồi hồi: “Tôi nhớ mãi hình ảnh ngôi trường những ngày đầu tiên chỉ có 1 phòng hiệu trưởng và 2 lớp học do thầy trò chúng tôi dùng bùn và rơm, trộn vào rồi chát thành tường, mái thì lợp bằng đóm diêm. Những hố bom vẫn còn sâu cả chục mét. Những ngày đó vất vả mà vui. Thày vì trò, trò vì tương lai. Đồng chí Hồng Phụng, hiệu trưởng đề ra: các giáo viên đều dành 3 đêm/tuần ở lại trường để phụ đạo học sinh, chúng tôi đều tình nguyện chấp hành. BGH nhà trường vừa lo đời sống giáo viên, vừa lo sơ tán, vừa lo việc dạy học sinh, đưa các em đến các nhà máy cơ khí Yên Viên, nhà máy Diêm Gỗ, nông trường Yên Khê,… để thực hành sản xuất. Chúng tôi cùng nhau san lấp những hố bom, cùng nhau thắp lên niềm tin về tương lai tươi sáng của học trò bằng sự tận tâm và cống hiến sức trẻ. Trải qua biết bao hi sinh, gian khó, chúng tôi đã cùng nhau dìu dắt các em học sinh trưởng thành và luôn tự hào vì điều đó”.

Trường THPT Yên Viên những ngày đầu thành lập với hình ảnh lớp học được thầy trò dựng lên từ mái gianh, vách đất

Rồi tiếp đến những năm 1972, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, thị trấn Yên Viên là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Trường sơ tán vào xã Ninh Hiệp và xã Phù Đổng. Năm 1973, trường trở về thị trấn Yên Viên, thầy và trò lại san lấp hố bom để dựng phòng dạy học, làm xưởng thực hành. Vượt lên mọi gian nan, các hoạt động giáo dục ở ngôi trường này vẫn được duy trì.

thầy và trò lại san lấp hố bom để dựng phòng dạy học, làm xưởng thực hành

 Đại tá, Tiến sỹ, Nguyễn Lâm Bình, Phó chủ nhiệm khoa chấn thương Chỉnh hình tổng hợp Bệnh viện 108 vốn là cựu học sinh khóa 1981 – 1984 của trường THPT Yên Viên. Trong ký ức của ông, đó là một thời kỳ bao cấp đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ và đó là hành trang để ông bước vào đời. “3 năm học cấp 3, chúng tôi chứng kiến cứ mỗi trận mưa là cả thầy và trò lội nước lõm bõm đến tận ống chân. Thời đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa thiếu thốn nhưng các thầy cô thường tận dụng những cuốn sách mượn được từ các thày ở trường khác, rồi đọc lại, cho chúng tôi chép để về ôn luyện. Lứa chúng tôi trưởng thành từ sự tận tâm của thày cô, và từ cả sự nghiêm khắc mà sau này, khi vào đời, tôi mới hiểu được, tính kỷ luật có ý nghĩa như thế nào đối với một người muốn thành công” – ông nói.

Vượt qua những gian nan, các hoạt động dạy và học của trường vẫn được duy trì
Bức ảnh lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 một thời gian khó của thầy trò trường THPT Yên Viên vẫn được lưu tại phòng truyền thống của trường

Bước đột phá chuyển mình

Những ngày cận kề lễ kỷ niệm 55 năm thành lập trường, cô hiệu trưởng Vũ Hương Lan vẫn không thể quên được cảm giác 5 năm trước khi nhận nhiệm vụ. “Năm 2015, khi tôi về trường, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, đặc biệt là các phòng chức năng chưa có. Nhưng rồi với sự nỗ lực của cả BGH và tập thể giáo viên, trường được UBND thành phố Hà Nội, Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội đầu tư cải tạo và xây dựng các phòng chức năng; Cơ sở vật chất nhà trường khang trang, hiện đại; khung cảnh sư phạm xanh - sạch - đẹp và đạt Trường trung học đạt chuẩn quốc gia năm 2017”- cô Lan chia sẻ.

Trong giai đoạn mới, trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, phát triển kỹ năng cho học sinh 
 Trong 55 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Yên Viên đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động Hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ GD&ĐT; Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội, nhiều năm liền đạt Tập thể Lao động xuất sắc… Bên cạnh đó nhà trường đã có nhiều cố gắng trong công tác chuyên môn, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất để đạt trường chuẩn quốc gia vào tháng 10/2017 trước thời hạn, góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới của huyện Gia Lâm.

Cũng theo cô Vũ Hương Lan, để có được kết quả đó, phải kể đến phương châm của BGH nhà trường là luôn coi trọng việc phát triển năng lực của học sinh. Giáo viên nhà trường luôn quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động của học sinh, giúp các em dễ học, dễ hiểu có thể tiếp thu bài một cách nhanh nhất, rèn cho học sinh phương pháp tự học, khả năng tư duy, phát triển năng lực, phát triển kỹ năng tự học, làm việc nhóm. Nhờ đó, số học sinh khá, giỏi của trường, đỗ ĐH là từ 55% - trên 70%. Số lượng HSG tăng từ 20% đến nay là 30%.  Tỷ lệ đỗ TN – THPT các năm đều đạt 100%, có học sinh đạt điểm 10 bộ môn. Năm học 2019-2020, trường có 2 học sinh đạt điểm 10 trong đó có điểm 10 môn toán; HS đạt điểm cao nhất 28,55; đặc biệt với điểm thi trung bình môn Ngữ văn là 7,599 trường THPT Yên Viên là 1 trong 10 trường của thành phố Hà Nội có điểm văn cao nhất.

Bên cạnh đó,  nhà trường đặc biệt rất coi trọng các hoạt động đoàn, phong trào TDTT, hoạt động từ thiện, hoạt động CLB… Từ năm 2015, đến năm 2019, năm nào trường cũng có HS đoạt giải chạy do báo Hà Nội Mới tổ chức. Năm học 2019 – 2020, trong Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố trường tham gia thi đấu các môn: cầu lông, bóng rổ, cờ vua, nhảy cao và đã đạt 01 Huy chương Vàng môn nhảy cao; 01 Huy chương Đồng môn cờ vua. 10 năm học qua trường liên tục đạt Trường tiên tiến xuất sắc về thể dục thể thao.

Học sinh của trường tham gia các hoạt động giáo dục thể chất để rèn kỹ năng làm việc nhóm 

 Nhìn lại quá trình 55 xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Yên Viên đã đào tạo được hàng nghìn học sinh ưu tú, trong đó có nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, bác sĩ, kĩ sư, các doanh nghiệp, các nhà quản lý giỏi, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú… phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể thấy, trường đang ngày càng khẳng định được vị trí lá cờ đầu trong lĩnh vực giáo dục của huyện Gia Lâm.

Năm 2017, Trường THPT Yên Viên nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia
Với những cố gắng của thày và trò, trường được nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND TP. Hà Nội
Cứ mỗi dịp kỷ niệm thành lập trường, rất nhiều khóa học sinh trở về và ôn lại kỷ niệm của thời "nhất quỷ nhì ma"

 “Vốn là một học sinh cũ của trường, chứng kiến diện mạo khởi sắc của trường từ thời bao cấp đến giờ, với tôi, đó là một niềm vinh dự, tự hào. Tôi mong muốn sẽ có nhiều thế hệ học sinh trưởng thành từ ngôi trường này, thành đạt và góp sức mình cho công cuộc phát triển quê hương và đất nước. Và chúng tôi, những người đang tiếp bước các thế hệ thầy cô trước, sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi, để xây dựng trường THPT Yên Viên, trở thành một trong những điểm sáng, lá cờ đầu về giáo dục, đào tạo của Thủ đô” – cô Vũ Hương Lan cho biết.

 

 

Tác giả: Thủy Nguyên

Nguồn tin: hanoitv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây