Người Thầy

Thứ tư - 18/11/2009 09:08 3.030 0
Tác phẩm kể lại chặng đường ba mươi năm đứng trên bục giảng của chính tác giả, nhà giáo - nhà văn Mĩ, Frank McCourt. Vượt qua cái khuôn mòn nhận thức về nghề giáo cao quý và thường trực hạnh phúc, về những ông thầy biết tuốt tuyệt vời, đây là cuốn hồi ức chân thực với mọi cảm xúc, khát khao, trăn trở suốt đời của ông.

Sau hơn ba mươi năm long rong khắp các trường trung học Mĩ , một ngày khi đã vào độ lục tuần, người thầy nhiệt huyết một thưở - Frank McCourt - quyết định giã từ bục giảng, về ngồi dưới mái hiên quán cà phê tĩnh lặng để thực hiện mơ ước suốt đời của mình: viết văn. Có một thứ Frank McCourt chẳng thể nào không viết, đó chính là những năm tháng làm thầy mà định mệnh đã đưa ông gắn bó. Tất cả gói ghém trong một cuốn tự truyện xuất sắc - Người thầy. Ở đó, có vô số kỉ niệm với lũ trò nghịch ngợm cùng biết bao mơ ước của chúng. Ở đó, có những bài học, những kinh nghiệm giáo dục mà phải mất hơn ba mươi năm ông mới có thời gian suy niệm, mới kịp ghi chép lại. Tất cả bắt đầu từ một buổi sáng bình thường tại trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee, khi Frank McCourt lần đầu bước lên bục giảng. Anh giáo trẻ dân gốc Ireland đứng tây ngây ở đó, giữa đám thíếu niên Mĩ ngỗ nghịch, láu cá, chẳng biết phải làm gì. Chính từ giây phút đó, ông bắt đầu viết cho riêng mình một cuốn cẩm nang giáo dục. Ba mươi năm làm thầy, một quãng đời lắm hạnh phúc, nhiều cay đắng của McCourt. Biết bao chuyện xảy ra khiến nghề giáo nhiều khi thấy bạc. Nhưng rồi không gì có thể sánh bằng một lớp tự chọn đông nghẹt thở. Cũng chẳng gì đánh đổi được một cái ôm nồng thắm sau nhiều năm gặp lại, một đứa học trò giãi bày tâm sự, một linh hồn nhỏ cầu cứu… Khi chúng hoàn toàn tin tưởng ở thầy giáo. Để làm được điều đó , người thầy phải không ngừng tìm hiểu học trò. Làm sao để truyền đạt tri thức tới được chúng, làm sao để biết chúng cần gì, làm sao để khiến chúng nên người. Con đường giáo dục đầy chông gai và hạnh phúc ấy, chính là con đường đời của Frank McCourt. Trong lớp học của Frank McCourt, học trò phải được thả sức tưởng tượng. Chúng không cần theo khuôn thước nào hết. Cùng một bài thơ, cùng một câu chuyện, chẳng cô cậu nào phải nghĩ giống kẻ khác. Chúng được nghĩ bằng chính não bộ của mình, và sống thực với cảm xúc. Mọi suy nghĩ tưởng chừng như vô lý đều có những lí lẽ riêng, thứ lí lẽ gắn liền với cuộc đời của từng đứa học trò. Với McCourt, lũ trò không nhất định phải giỏi hết, chúng không cần phải vào MIT hay Harvard mà vẫn có thể sống tốt. Cậu học trò thông minh người Do Thái có thể trở thành một điền chủ, miễn là không nuôi heo. Nhưng cũng sẽ tuyệt vời biết bao, khi một cô trò ngổ ngáo bỗng khát khao vào giảng đường đại học. Tất cả những phút giây ấy, pháo bông vui hơn pháo bông mừng năm mới bung nở trong lòng người thầy. Hồi ức Người thầy không phải chỉ là mảnh kỉ niệm buồn vui của cuộc đời dạy học, mà còn là những bài học giáo dục hết sức tâm huyết và sâu sắc. Kỳ vọng của McCourt là: mỗi người thầy đều trở thành Một Ông Thầy Giải Phóng Vĩ Đại. Trong quan niệm của ông, làm thầy là một thứ nghệ thuật chứ không phải uy quyền. Người thầy phải giải phóng chính mình ra khỏi chiếc mặt nạ nghiêm trang, hòa mình vào cuộc đời học trò để hiểu cho được tâm trạng chúng. Người thầy trong McCourt không bao giờ xem học trò chỉ là đối tượng dạy dỗ, mà luôn coi học trò là trung tâm của giáo dục. Sau ba mươi năm dạy học, ông bắt tay vào viết văn. Trên từng trang giấy, ông kể lại câu chuyện đời mình. Và riêng với Người thầy, Frank McCourt đã đủ thực sự trở thành Ông Thầy Giải Phóng Vĩ Đại.

Tác giả: BQT

Nguồn tin: Sách hay - Sở GD&ĐT Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây