Sẵn sàng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia


Về đổi mới cách tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ GDĐT cho biết, trong năm 2015, hầu như tất cả các trường đại học, cao đẳng đều sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh. Trong đó, hơn 200 trường đại học, cao đẳng chỉ xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia; 179 trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển, vừa xét tuyển bằng kết quả học tập ở trung học phổ thông.   

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước, công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất; cùng với đó các công việc hỗ trợ cho thí sinh đã sẵn sàng.

Bên cạnh kỳ thi trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, một số trường có phương thức tuyển sinh như: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; sơ tuyển và tổ chức xét tuyển cho các thí sinh của Trường Đại học FPT; hậu tuyển của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí  - Tuyên truyền… nhằm tổ chức đánh giá bổ sung, kết hợp với kết quả thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng để chỉ đạo công tác tổ chức thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch. Đồng thời, tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 để hoàn thiện và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng ổn định ở những năm tiếp theo; xây dựng đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới (dự kiến áp dụng từ sau năm 2021).

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn.
Sẽ xin ý kiến rộng rãi chương trình GD phổ thông

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015.

Với việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Dự thảo chương trình tổng thể này đã được đưa ra xin ý kiến góp ý của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học, ý kiến đóng góp của một số hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (thông qua các hội thảo, hoặc gửi văn bản xin ý kiến góp ý trực tiếp)...

Đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện lần cuối, để đưa ra xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội vào tháng 7/2015.

Đồng thời, Bộ đang tích cực chuẩn bị để bắt đầu triển khai xây dựng các chương trình môn học dựa theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.