Học đánh cờ của Bác Hồ và việc xây dựng, rèn luyện tư duy quản lý phát triển nhà trường

Thứ sáu - 16/12/2011 05:58 3.802 0
rong nhà ngục Tĩnh Tây (Quảng Tây - Trung Quốc), năm 1944, Hồ Chí Minh viết bài thơ “Học đánh cờ - Học dịch kỳ” (bài thơ có số thứ tự 12 trong Ngục trung nhật ký – Nhật ký trong tù). Bác lấy chuyện “Học đánh cờ” để tự nhủ mình và còn muốn thông điệp vấn đề quan trọng hơn nhiều cho các đồng chí, cho những người tâm huyết với công việc cách mạng.

Nguyên văn bài thơ chữ Hán:

IBế tọa vô liêu học dịch kỳ

Thiên binh vạn mã cộng khu trì

Tấn công thoái thủ ưng thần tốc

Cao tài, tất túc tiên đắc chi

IINhan quang ưng đại, tâm ưng tế

Kiên quyết thời thời yếu tấn công

Thác lộ song xa đà một dụng

Phùng thời nhất tốt khả thành công

IIISong phương thế lực bản bình quân

Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân

Công thủ vận trù vô lậu toán

Tài xứng anh dũng đại tướng quân.

Dịch nghĩa:

I.Bị tù túng, ta học đánh cờ. Thiên binh vạn mã cùng đuổi nhau.

Tấn công thoái thủ phải hết sức thần tốc; tài cao, chân nhanh thì được trước.

II.Nhìn phải rộng, nghĩ phải kỹ. Kiên quyết không ngừng chí tấn công; để mất “nước” thì hai quân xe cũng vô dụng.

Gặp “thời” chỉ một quân tốt cũng thành công.

III.Thế lực hai bên vốn ngang nhau, kết cục thắng lợi chỉ về một người. Phải vận trù trong tấn công phòng thủ.

Không để sơ hở mới đáng gọi là đại tướng anh hùng.

Với 3 khổ thơ bốn câu, nhà thơ đưa ta từ chuyện chơi cờ đến những vấn đề trọng yếu của công tác chỉ huy, quản lý. Xin được thu hoạch đôi điều từ góc độ hoạt động quản lý giáo dục (QLGD).

a)QLGD là việc triển khai các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo theo một thời hạn nhất định nhằm đạt được kết quả mong đợi. Người quản lý cơ quan giáo dục, quản lý nhà trường (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục CBQLGD) điều phối nhân lực, tài lực, vật lực của xã hội tổ chức thành đội ngũ, bộ máy, hệ thống, thực hiện kế hoạch đào tạo đã vạch ra. Hiện thực được kế hoạch đào tạo vào cuộc sống thì “thắng lợi”, nếu không thì “thua”. Công việc CBQLGD xét cho cùng cũng giống như người chơi cờ điều khiển “tướng sĩ tượng, xe pháo mã tốt” dồn đối phương vào nước chiếu hết. Cái khác của CBQLGD ở chỗ: đối phương của họ là sự dốt nát, sự tha hóa, sự không ổn định của phát triển giáo dục. Trong công việc của mình, ở bất cứ hoàn cảnh nào, người CBQLGD cũng phải “móc chắc” vào thời gian, nhạy bén bao quát trong điều hành trên cơ sở kết hợp chặt chẽ trí và lực; biến các phương tiện đào tạo thành tác động tổng hợp vào đối tượng đào tạo, tạo ra hiệu quả cao nhất.

Đọc khổ thơ:

“Tù túng đem cờ học đánh chơi

Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài

Tấn công thoái thủ nhanh như chớp

Chân lẹ tài cao ắt thắng người”

Chắc chắn mỗi CBQLGD cảm nhận được sự cấp thiết phải quán triệt quy luật kinh tế thời gian đang đặt ra khá khắc nghiệt với quá trình đào tạo đi tới nền kinh tế tri thức.

b)Ý chí kiên quyết thành đạt được các mục tiêu (sự tấn công) trong kế hoạch phát triển và đào tạo có tính nguyên tắc trong hành động thường xuyên của CBQLGD. Tuy nhiên “sự tấn công” phải đặt trên cơ sở có tầm nhìn rộng, có suy nghĩ sâu. Sự thiển cận và nông cạn đối với hoạt động QLGD sẽ đem lại bi kịch không phải chỉ cho một thiểu số người mà cho đông đảo người khi nền giáo dục đã được phổ cập.

Cần “Tri Kỷ, Tri Bỉ, Năng Nhược, Năng Cường” tức là biết được chủ quan điểm nào mạnh (M), điểm nào yếu (Y), biết được khách quan cái gì là cơ may (C), Cái gì là đe dọa (Đ) đối với cơ quan mình, nhà trường mình là điều cần thiết đầu tiên đối với CBQLGD.

Kết quả quá trình trên giúp cho người CBQLGD “tri thế - tri thời” có giải pháp cho quá trình phát triển đào tạo diễn ra hợp lý.

Những sự kiện giáo dục thực tế đã cho ta thấy khi người chỉ huy “lạc nước” thì dù có giáo viên giỏi, có kinh phí nhiều, có cơ sở vật chất sư phạm bề thế vẫn bị thất bại. Trái lại nhiều trường hợp người chỉ huy biết tận dụng tranh thủ thời cơ thì điều kiện đào tạo có bình thường, bất cập, vẫn phát triển nhà trường, địa phương mình thành đơn vị giáo dục anh hùng.

Khổ thơ:

“Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ

Kiên quyết không ngừng thế tiến công

Lạc nước hai xe đành bỏ phí

Gặp thời một tốt cũng thành công”

Mang ý nghĩa như một bài dạy hàm súc về phân tích “MYCĐ” (SWOT) một kiến thức rất cơ bản về quản lý cho mọi CBQLGD (thường gọi là phân tích điểm “Mạnh” – Strong; điểm “Yếu”- Weak; “Thời cơ” – Opportunity; “Đe dọa”- Threat).

c)Điều hành cơ quan giáo dục, điều hành nhà trường là điều hành một hệ thống động phức tạp và rất đa dạng. Nội lực, ngoại lực chủ quan, khách quan tích hợp vào nhau hình thành bốn trạng thái sau:

Gặp trạng thái (SO) người CBQLGD phải biết phát triển mục tiêu (tấn công), đưa giáo dục và nhà trường tới các chất lượng mới.

Gặp trạng thái (WO), hoặc (ST) phải biết kiên trì mục tiêu, song có sự thận trọng trong việc chọn lựa phương án hành động để ổn định thích ứng hoặc ổn định tăng trưởng giáo dục và nhà trường.

Còn gặp trạng thái (WT) phải biết điều chỉnh mục tiêu, cân nhắc kỹ các giải pháp thực hiện để ổn định giáo dục và nhà trường.

 

Chủ

quan

Khách

quan

S (mạnh)

W (yếu)

O

(Thời cơ)

Mạnh và có thời cơ tốt (SO)

Yếu song có thời cơ tốt (WO)

T

(đe dọa)

Mạnh song có đe dọa (ST)

Yếu và có nhiều đe dọa (WT)

- SO (chủ quan mạnh, khách quan có thời cơ tốt).

- WO (Chủ quan yếu, khách quan có thời cơ tốt)

- ST (Chủ quan mạnh, khách quan có nhiều đe dọa)

- WT (Chủ quan yếu, khách quan có nhiều đe dọa)

Như vậy, chỉ đạo tổ chức quá trình đào tạo thực chất là sự “công thủ” về mặt kinh tế - sư phạm. Người quản lý phải nhằm tới sự cân bằng động của hệ thống. Quan điểm “vận trù” công thủ phải được quán triệt vào các khâu khác nhau từ thiết kế chương trình nội dung đào tạo đến tổ chức bài học, giờ học.

Quan điểm này đòi hỏi người CBQLGD biết phân tích thật khoa học từng hiện tượng, sự kiện giáo dục; vạch ra các mâu thuẫn, gay cấn, xung đột, tìm ra xu hướng phát triển của sự kiện, lượng hóa được kết quả mong đợi theo các phương án giải quyết khác nhau, không để cho hệ thống bị rò rỉ, sơ hở, mất ổn định.

Khổ thơ:

Vốn trước hai bên ngang thế nhau

Mà sau thắng lợi một bên giành

Công thủ vận trù không sơ hở

Đại tướng anh hùng mới xứng danh”.

Như lời nhắn nhủ mỗi CBQLGD phải rèn luyệnTríMinh, biết “vận trù” trong tổ chức, ra quyết định hợp lý đối với quá trình đào tạo. Người CBQLGD sẽ có niềm vui “Đại tướng anh hùng” khi quyết định quản lý mang lại kết quả cho nền giáo dục, cho nhà trường, đem lại hạnh phúc cho học sinh, cho gia đình họ.

Chúng tôi xin được thu hoạch thêm về câu thơ “Công thủ vận trù vô lậu toán”

Câu thơ nàyở các bản dịch đang ấn hành viết là:

“Tấn công phòng thủ không sơ hở”. Khái niệm vận trù đã bị mất đi trong nguyên tác mà Bác thể hiện.

“Vận trù”được Bác nói đến một lần nữa vào những ngày cuối đời.

Ngày 30/7/1969, tiếp nhà toán học Hoàng Tụy đến báo cáo “Dự án vận trù học” phân phối hàng hóa để góp phần giải quyết chen chúc trước các cửa hàng Người khuyên nên tìm cách diễn đạt “Vận trù học” cho dễ hiểu ở Việt Nam. Người cho biết Trương Lương (chiến lược gia của Lưu Ban Hán Cao Tổ -BT) đã nói câu:

“Vận trù ư duy ác chi trung

Quyết thắng ư thiên lý chi ngoại”

(Ngồi trong màn trướng biết vận trù để chiến thắng ngoài ngàn dặm). Người nói thêm: Vận trù cũng là tham mưu. Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm vận trù cũng khá là nhờ cái này…

Rồi người chỉ vào trái tim mình.

Điều mà Bác Hồ nói với nhà toán học Hoàng Tụy là vấn đề thông minh cảm xúc (Emotion Quotient – EQ).

Đây là sự thông minh rất cần thiết của người quản lý. Người quản lý giáo dục không phải chỉ có thông minh trí tuệ (IQ) mà cần có thông minh cảm xúc (EQ) trong điều hành vận trù hoạt động của nhà trường.

Tác giả: PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Nguồn tin: (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 23 - tháng 11/2011)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây