THPT Yên Viên

https://thptyenvien.edu.vn


Học sinh lớp 12 giết người vì muốn có tiền mua điện thoại

Teen cả nước lao xao về vụ việc đau lòng: Học sinh manh động xuống tay hạ sát bạn và người thân chỉ vì chiếc điện thoại nhỏ nhoi. Bạn bè của các bạn ấy đã nghĩ gì? Nhữn nhà tâm lý, giáo dục nhận xét gì? Mời bạn cùng xem.

Như HHT Online đã cập nhật tin, vừa qua teen cả nước rung động vì một vụ án rợn người mà kẻ thủ ác chưa đủ 18 tuổi, lại là học sinh. Nạn nhân lại chính là bạn học cùng trường...

Chỉ vì bạn “châm chọc”

Theo điều tra của công an tỉnh Vĩnh Phúc: học sinh đó là Đào Văn Tài, khi bị bắt, Tài khai: vào buổi tối ngày 11/4/2012, Tài đang dùng điện thoại của bố để chơi điện tử thì bị mẹ mắng và bắt đi học thêm  bằng xe đạp (trong khi những ngày trước Tài đều được đi xe máy).

Học thêm xong, Tài hỏi mượn bạn cùng lớp điện thoại gọi về nhà xin phép bố mẹ về muộn để đi chơi game, nhưng bạn không cho mượn và còn châm chọc: “Khá giả như mày mà không có điện thoại để dùng à”.


 




Hiện trường nơi xảy ra vụ án (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)

Theo cơ quan công an, chính nỗi “ấm ức” vì không được đi xe máy, mẹ không cho chơi game, bạn không cho mượn điện thoại dồn lại khiến Tài nảy sinh ý định cướp tài sản để mua điện thoại di động về chơi game.  Trên đường về Tài ghé qua một quán internet, giả vờ đi vệ sinh và lấy cắp một con day phay chuôi gỗ. Sau đó, Tài  đạp xe tới nhà cô N. để chơi game.
Sau khoảng 1 tiếng, thấy bạn T. (con trai cô N. cũng là bạn cùng trường với Tài) đang chăm chú chơi game, Tài lấy con dao phay từ trong túi xách ra, đi tới sau lưng T., chém thẳng vào đầu T. một nhát, bị chém, T. kêu cứu mẹ, nghe tiếng kêu, cô N. chạy ra liền bị Tài đấm vào mặt, túm tóc lôi vào bếp, tại đây Tài lấy được một con dao rựa và tiếp tục tấn công cô N. và T. sau đó bỏ trốn. Dù đã được đi cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng, T. đã qua đời, cô N. cũng đang được điều trị ở bệnh viện đa khoa Thái Nguyên.




Chiếc máy chủ nơi T. ngồi chơi game và bị Tài hạ sát (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)



Trường THPT Tam Đảo 2, nơi hung thủ Đào Văn Tài và nạn nhân T. đã từng theo học (Ảnh T.X)

Tài vốn là một học sinh ngoan

Theo cô Phùng Thị Ân, Hiệu trưởng trường THPT Tam Đảo 2: “Cô rất sửng sốt và bàng hoàng khi nghe tin này, khi biết tin, cô gọi ngay cho bố Tài, bố Tài chỉ nói: “Em khổ quá cô ơi, em xin lỗi cô...Cả trường đều không ai nghĩ Tài đã làm chuyện đó. Trước đây Tài là học sinh lớp A1 – lớp chọn, Tài cũng chưa từng có biểu hiện gì bất thường, hay bị thầy cô nào phàn nàn. Về học tập: Tài học khá ở các môn tự nhiên (thường được khoảng 6 – 7 phẩy). Năm lớp 10, Tài đạt hạnh kiểm Khá, học lực Khá (điểm trung bình: 7.0), lớp 11 Tài đạt hạnh kiểm Tốt, học lực Khá (điểm trung bình 6.7). Năm nay, Tài còn định đăng kí dự thi Học viện Cảnh sát.


Với gia đình em T., nhà trường cũng rất đau buồn và đã vận động để các học sinh tới thăm, chung tay giúp đỡ gia đình em. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên động viên tinh thần cho học sinh để các em chuẩn bị tốt cho hai kì thi sắp tới.”
Ngay đến các bạn cùng lớp cũng rất bàng hoàng sửng sốt và không ai nghĩ Tài có thể làm chuyện này. Bạn Nguyễn Văn Tân, ngồi cùng bàn với Tài, cho biết: “Mình ngồi cùng Tài từ giữa năm lớp 11, Tài khá hòa đồng và thường xuyên trao đổi bài với mình cũng như các bạn khác. Đầu năm, Tài từng tâm sự rằng: sẽ nỗ lực hết mình để thi vào trường cảnh sát.”

Lớp trưởng lớp 12A1, Lê Thị Hiền thì chia sẻ: Mình mong các chú công an sẽ sớm điều tra ra tại sao Tài lại làm như vậy, cả lớp mình không ai nghĩ Tài lại làm thế, sau khi nghe tin của Tài bọn mình buồn lắm, có bạn còn khóc, chúng mình rất muốn đi thăm Tài. Mình mong là Tài hãy khai báo thành thật với công an, mong các cô chú ở tòa án có xử thì giảm nhẹ tội cho bạn, sau này khi bạn quay trở lại với cuộc sống mong mọi người tha thứ đừng kì thị bạn.



Các bạn học cùng lớp với Tài vô cùng bàng hoàng khi nghe tin Tài gây án (Ảnh: T.X)



Chân dung Đào Văn Tài (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)

 

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nhận xét:

Tài sinh ra ở một gia đình khá giả, được bố mẹ thỏa mãn nhiều nhu cầu nay đột nhiên Tài không được thỏa mãn (nhu cầu đi xe, chơi game, dùng điện thoại) khiến  Tài bị cú sốc về tâm lý, tạo nên hành vi liều lĩnh muốn kiếm tiền nhanh nhất, có nhiều tiền để thỏa mãn nhu cầu.

Dù sống trong môi trường tốt, nhưng Tài chưa được trang bị đủ những kĩ năng sống để vượt qua những xung chấn, xung đột về tâm lý. Tài coi đồng tiền là giá trị cao nhất, trên cả lòng nhân ái, yêu thương con người. Khi xung đột tâm lý bị đẩy lên cao, và không thể tự giải quyết được thì những hành động liều lĩnh, mất nhân tính của Tài là một tất yếu.

Bài học của cả nhà trường và gia đình ở đây là không nên chỉ bằng lòng với việc con em mình học khá giỏi mà phải để cho học sinh được rèn luyện, trải nghiệm trong thực tế, để các em nhận ra đâu là giá trị cao đẹp của cuộc sống và có đủ kỹ năng sống để khẳng định được mình trong xã hội đầy biến động này.

Tuấn Linh - Nghiêm Huê

Nguồn tin: http://hoahoctro.vn

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tại sao con ngoan lại giết người?

Gần đây báo chí phản ánh về hiện tượng nhiều học sinh giết người, đa phần các em đều “dính” vào game, cha mẹ và những người xung quanh nghĩ rằng những em đó ngoan. Vậy điều gì dẫn đến học sinh ngoan dưới con mắt mọi người lại có thể giết người? Dưới đây là lý giải của thám tử Hoàng Nhân khi theo dõi trẻ em bị coi là hư, đặc biệt là trẻ nghiện game.


Ảnh minh hoạ của NOP.

Quá trình “ảo hóa” và sự ám ảnh

Khi chơi các game nhập vai, người chơi thường phải tập trung cao độ, dồn hết tâm tư, tình cảm, tính cách của bản thân vào đó. Tất cả những dồn nén của cuộc sống thường ngày, những búc xúc hay những mong muốn không thực hiện được trong cuộc sống thực sẽ được ảo hóa trong game. Người chơi bằng mọi cách khiến cho nhân vật mang toàn bộ cá tính của mình, khẳng định bản thân mình qua đẳng cấp (level) và phong cách (lời nói, trang phục) của nhân vật trong game.

Khi đã thực sự nhập vai, người chơi có xu hướng mất thăng bằng trong cuộc sống thực. Ví dụ khi chơi liên tục trên 6 giờ, sau khi rời khỏi máy tính, người chơi thường mất khả năng tập trung, lúc này mọi lời nói bên ngoài đều không vào tai, bản thân người chơi cũng không biết mình đang nghĩ gì.

Người chơi game cảm thấy được nể trọng, được yêu thương, được khẳng định tính cách và năng lực của mình (với các nhân vật trong game khác), rồi sau đó ra đời thực, họ sẽ bị thất vọng với cuộc sống thực tế. Người chơi thường có xu hướng nhầm lẫn giữa cuộc sống thực và ảo, hay nổi giận, cáu gắt, tấn công người khác, sự mất kiểm soát đã bắt đầu nghiêm trọng

Nếu nhập vai sâu, rồi bị hạn chế giữa chừng bởi cha mẹ, người thân, người đó sẽ bị đờ đẫn 1-2 giờ hoặc vài ngày mới phần nào trở lại với thực tại. Tuy nhiên ngay cả đi ăn, ngủ, làm việc khác, thì tâm trí, đầu óc cũng chỉ nghĩ đến games, các tình, tiết, nhân vật, lời thoại, tư tưởng của game đó. Đứa trẻ bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào đời sống ảo.

Giai đoạn u mê, dễ kích động

Tâm sự với tôi sau này, nhiều trẻ nghiện game thừa nhận lúc trước cứ như bị “ai đó dẫn chứ không phải em như thế”. Các em ân hận vô cùng vì chửi mắng cha mẹ, tấn công người thân hay trộm cắp. Hàng ngày ta đọc báo cũng thấy đau lòng vì những hành vi đánh bạn, giết người để có tiền chơi game.

Hãy hình dung xem sự cộng hưởng của các yếu tố sau nguy hiểm thế nào: Đầu tiên ở tuổi 13 đến 18 là giai đoạn tâm lý và thể chất thay đổi dữ dội. Điều này mang tính tự nhiên nhưng góp phần làm trẻ bối rối.

Sau đó là sự lệ thuộc (cơn nghiện nặng) vào “ nhân cách thứ 2”- nhân cách trong game. Những lúc nghỉ giữa canh, trẻ thường xem luôn cả phim gợi dục, sử dụng ngôn từ tạo những rung chấn nặng nề trong tâm trí.

Tiếp nữa là sự suy kiệt vì đói, mất ngủ, ám ảnh, bố mẹ truy tìm, chủ quán game cấm đoán vì nợ quá nhiều, nguy cơ không đi hết các chương, các cấp độ trong game do hết tiền… Lúc này sự cân bằng bị phá vỡ, trẻ mất kiểm soát.

Ám ảnh làm sao có tiền để chơi tiếp là trạng thái loạn thần cấp tính. Sự u mê, lú lẫn mất kiểm soát, bị ham muốn dẫn dắt và những ý tưởng nguy hiểm xuất hiện, đặc biệt có ý tưởng giết người lấy tiền như ta đã thấy. Có em vẫn u mê và lạnh lùng sau vài giờ hoặc vài ngày sau khi thực hiện hành vi mà trẻ không ý thức hết hậu quả của mình. Đó là trạng thái tâm thần hơn là nhìn nhận ở góc độ phán xét đạo đức, luân lý.

Có những ca tìm kiếm và theo dõi trẻ em chơi game, chúng tôi cũng lạnh người vì sự suy nhược của trẻ như rụng tóc, thất thần, hoảng loạn, những cơn ngủ mê man như không thể sống lại được của kẻ cày game xuyên ngày đêm.

Nếu thấy trẻ vị thành niên mất cân bằng tâm lý và theo đó là các hành vi mất hài hòa cho xã hội và bản thân, cha mẹ các em sẽ thất bại nhanh chóng trong việc giáo dục các em này nếu họ là người nóng vội, hay đổ lỗi. Nhưng sẽ hiệu quả khi cha mẹ tĩnh tâm và có trách nhiệm thay đổi bản thân mình. Chuyển hóa trẻ đòi hỏi sự tĩnh tại, kiên nhẫn và sáng tạo.

Người lớn thất bại khi giáo dục trẻ bởi óc phán xét, phân biệt, giáo dục áp đặt theo tinh thần của kẻ bề trên, điều đó cũng thể hiện nhan nhản bởi các bình luận ác tâm trên mặt báo.

Trẻ nghiện game đến mức mụ mẫm không dứt ra được là do:

Các em có bố mẹ có cách hành xử chuyên quyền: thể hiện qua việc yêu con quá mức, hay hà khắc quá mức, can thiệp sâu vào đời sống con từ khi sinh ra đến khi bước vào tuổi vị thành niên.

Bản thân các em sinh ra đã yếu thần kinh nên có tâm lý yếu đuối, dễ thất bại trong đời sống thực nên tìm tự do và khẳng định bản thân trong game. Điều này cũng xảy ra với trẻ hay dùng các loại ma túy và bị lệ thuộc.

Những trẻ bị bỏ rơi do bố mẹ bận bịu hoặc thiếu ý thức, kỹ năng dưỡng dục, hoặc trẻ bị bạo hành, bị đối xử hà khắc.

Theo VNN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây