Mùa xuân có gì lạ?

Chủ nhật - 17/02/2013 21:49 2.600 0
Quy luật của muôn đời, hết mùa đông lạnh giá là đến mùa xuân ấm áp. Vẫn biết là như vậy nhưng mỗi khi mùa xuân đến, lòng người lại hân hoan, rộn ràng đến lạ. Mùa xuân có gì lạ mà mang đến cho con người nhiều cảm xúc, nhiều cung bậc tình cảm đến vậy?
Mùa xuân có gì lạ?

    Xuân về, đất trời thay áo mới, hoa đào, hoa mai khoe sắc, vườn quất xanh mướt, khoe những quả vàng căng mịn. Phải chăng cái lạ của mùa xuân là ở đó, khi mà trong năm chỉ có mùa xuân mới có hoa đào, hoa mai và quất cảnh, tạo điểm nhấn cho mỗi căn nhà, đường phố một nét riêng mang hồn dân tộc. Màu hồng, màu vàng, màu xanh của hoa, lá tô điểm cho mùa xuân tươi mới. Cũng kể từ khi mùa xuân gõ cửa, cây cối như bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ đông dài để khoe những chồi non mới nhú. Sự sống hiển hiện quanh ta, chợt muốn sống chậm lại để lắng nghe sự chuyển mình của đất trời, của vạn vật.

Xuân về, đường phố vẫn hối hả người qua lại. Nhưng dường như, cái tất bật ngày cuối năm không giống như những ngày thường. Bởi trong mỗi người có lẽ ai cũng đang hướng tới ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngày Tết để nhớ về tổ tiên, cội nguồn, và thăm hỏi, gặp gỡ nhau sau một năm tất bật, bộn bề với cuộc sống. Một năm có 4 mùa, nhưng chỉ có mùa xuân, mọi người mới tìm đến nhau nhiều hơn, người xa quê muốn tìm về nơi chôn rau cắt rốn của mình hơn. Phải chăng, mùa xuân là mùa của kết nối yêu thương. Bỏ lại phía sau những lo toan của cuộc sống thường ngày, người ta tìm đến nhau và chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất ở thời khắc chạm ngõ một năm mới. Mùi hương trầm phảng phất đâu đây, len vào trong ta nhè nhẹ, chợt thấy lòng như ấm áp hơn, cảm nhận rõ nét cái lạ, sự diệu kỳ của mùa xuân.

Xuân về, dâng lên tổ tiên mâm cơm cúng giao thừa với lòng thành tâm, mong cầu sự bình an trong năm mới. Mùa xuân nào cũng được đón nhận khoảnh khắc giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, song trong lòng sao vẫn thấy xốn xang đến lạ. Có nhiều người bảo đi gần hết cuộc đời mà vẫn thấy mỗi giao thừa mỗi cảm xúc khác nhau, không năm nào giống năm nào. Mùa xuân thật lạ. Phía đầu dây bên kia, cô con gái vừa xa nhà, xa cha mẹ đi du học nước ngoài thổn thức: “Con nhớ lắm mùa xuân quê hương, nhớ lắm thời khắc giao thừa sum vầy cả gia đình, nhớ lắm những hạt mưa xuân phảng phất, nhớ lắm tiếng pháo hoa nổ đì đùng, nhớ lắm hương vị Tết quê nhà…Ở bên này, du học sinh Việt Nam chúng con cũng tổ chức đón giao thừa cho vơi đi nỗi nhớ nhà, có đi xa mới thấy yêu thêm những gì mình đã gắn bó, thấy những khoảnh khắc mùa xuân không thể nào quên”.

Xuân về, từ một con ngõ nhỏ, hương vị bánh chưng bay khiến lòng ta không thể không xao xuyến, bồi hồi. Còn nhớ thời thơ bé, cứ xuân về, Tết đến là thấy nhà nào cũng gói bánh chưng, thức đêm ngồi luộc bánh để đón Tết. Giờ đây, không còn mấy nhà gói bánh chưng ngày Tết, thế nên thấy hương vị bánh bay ra từ một con ngõ nhỏ cũng thấy ấm lòng, thấy mùa xuân đang ở rất gần, thấy nhớ da diết những kỷ niệm thời ấu thơ. Nhà hàng luộc bánh chưng, bán bánh chưng quanh năm, nhưng chỉ ăn bánh chưng ngày Tết mới cảm nhận hết được dư vị ngon của món bánh cổ truyền dân tộc. Kèm thêm miếng giò lụa nóng hổi, củ dưa hành trắng nõn nà, bánh chưng ngày Tết sao ngon và đậm đà đến vậy. Phải chăng bởi mùa xuân đã mang đến cho cảm giác ấy, dư vị ấy?

Xuân về, chị lao công vẫn cần mẫn làm sạch các con phố để người người, nhà nhà vui đón xuân. Vẫn công việc thầm lặng ấy, nhưng sao ở thời khắc thiêng liêng của trời đất lại thấy nó ý nghĩa vô cùng. Người lao công miệt mài làm sạch mỗi góc phố, con đường. Chị làm vì việc chung, nhưng chắc ở một góc nào đó trong tâm hồn, chị đang nghĩ về thời khắc giao thừa của gia đình nhỏ của mình. Các bệnh viện vẫn sáng đèn, bóng áo bờ - lu trắng vẫn bám các phòng bệnh, giường bệnh và sẵn sàng khi có sự cố xảy ra. Đón mùa xuân trong bệnh viện cùng bệnh nhân, dường như cái khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh mà thường ngày người ta vẫn thấy quá xa vời, giờ như thu hẹp lại trong thời khắc thiêng liêng của mùa xuân đất trời. Mùa xuân, người với người như gần lại nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn.

 Ảnh minh họa 

Xuân về, từng chùm pháo hoa nổ vang trên bầu trời báo hiệu một năm mới đã đến. Dưới những con đường lung linh sắc màu, từ người già đến con trẻ cùng ngước mắt lên bầu trời mùa xuân có những hạt mưa lất phất bay nhè nhẹ để ngắm nhìn những sắc màu pháo hoa tưng bừng, rộn rã. Cùng cầu chúc một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe, bình an và thịnh vượng. Một cậu bé lang thang không nhà cửa ngước đôi mắt sáng trong lên bầu trời, lấp lánh niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng khi cậu vừa được một CLB tình thương đón nhận về cho ăn học và cho em một mái ấm yêu thương. Cậu bảo: Mùa xuân là mùa của ước mơ. Em ước tất cả những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ sẽ có được nơi để về, để được học chữ, học làm người và sống một cuộc sống bình thường và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Xuân về, nghe văng vẳng đâu đây ca khúc “Mùa xuân có gì lạ?” của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, phổ thơ của nhà thơ Định Hải mới cảm nhận hết cái hay, cái lạ của mùa xuân. “Én có gì lạ mà báo mùa xuân sang/Và đất có gì lạ cánh mai vàng ươm/.
Pháo có gì lạ mà tiếng nổ vang/ Mùa Xuân có gì lạ làm em rộn ràng”…
Ngắm những đôi mắt trẻ thơ trong veo, xúng xính trong những bộ quần áo mới tinh, thấy mùa xuân thật diệu kỳ và giàu sức sống. Dường như gắn với mùa xuân, những gì rất đỗi bình thường lại trở nên kỳ lạ. Và cái lạ ấy phải chăng bắt đầu từ cảm xúc, từ trái tim của mỗi người dân đất Việt.

Kìa mùa xuân về, giao thừa đã sang…

Ngân Vũ

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 37+38 (tháng 1+2/2013)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây