Thấy bé Bi lăng xăng muốn giúp mẹ nhặt rau, chị Thanh xua tay: "Thôi, con đừng đụng vào, không nhựa dính vào hết tay bây giờ". "Này, con tránh xa con dao ra kẻo đứt tay bây giờ", chị lại nói khi thấy con muốn gọt cà rốt. Thay vì làm hộ tất cả mọi việc cho những đứa con vụng về, các bậc cha mẹ hãy kiên nhẫn hướng dẫn và khuyến khích con. Phần lớn những đứa trẻ lóng ngóng, vụng về là do được cha mẹ chăm sóc kĩ lưỡng quá mức. Những "cậu ấm cô chiêu" này suốt ngày nghe cha mẹ nhắc "Đừng chạm vào đó, con sẽ bị nóng tay đấy", "Đừng đụng vào đó con yêu, con sẽ bị đau đấy", "con đừng làm cái này...", "con không được sờ vào cái kia...". Rốt cuộc, chúng chẳng biết bản thân mình có thể làm được việc gì và làm được đến mức nào. Để giúp con trở nên “khéo tay hay làm” hơn, bạn có thể thực hiện theo một số lời khuyên sau đây:
Phải kiên nhẫn: Khi thấy con mình vụng về, chậm chạp, làm cái gì cũng rất lâu, chẳng hạn, bé rót cốc nước thôi cũng mất đến nửa tiếng đồng hồ, các bà mẹ thường bực mình chỉ muốn làm hộ chúng để đỡ mất thời gian. Nhưng thực ra họ không nên làm như vậy. Trẻ cần có thời gian để tập làm mọi thứ cho quen. Bạn cần khuyến khích con mình tự làm lấy mọi việc chứ không cần làm hộ con. Như vậy, sau nay lớn lên, trẻ sẽ tự lập chứ không ỷ lại vào người lớn.
Tập luyện hằng ngày: Các cụ ta đã nói: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.Không có cái gì tự dưng mà có và cũng không thể làm cái gì lần đầu mà tốt ngay được, đặc biệt là đối với các bé. Vì vậy, bạn cần rèn cho trẻ các kĩ năng nhỏ hàng ngày ngay từ khi còn bé. Hãy để trẻ tập làm quen với mọi việc như tự xúc cơm ăn, tự rót nước, tự mặc quần áo hay tự đánh răng…
Tập cho trẻ thói quen quan sát: Nhiều khi không nhất thiết phải bắt trẻ lặp đi lặp lại một việc nhưng hãy khuyến khích chúng quan sát mọi thứ trước khi bắt tay vào việc, kiểu như: "Con thấy không, nếu con để cái cốc ngay dưới cái vòi nước thì nước sẽ không bị đổ ra ngoài", "Con lắp cái này vào trước thì sẽ đúng cách hơn". Cách làm này sẽ tạo cho trẻ thói quen suy nghĩ và tưởng tượng kết quả trước mỗi việc làm.
Cùng làm các đồ thủ công với trẻ: Các hoạt động này thực sự có ích không những đối với trẻ em vụng về mà với tất cả các trẻ em nói chung. Vẽ tranh, tô mầu, nặn đất sét, gấp đồ chơi từ giấy đều là những hoạt động khiến trẻ trở nên khéo léo, cẩn thận, kiên nhẫn, tỉ mỉ và thông minh hơn.
Chơi thể thao: Đây là một hoạt động rất tốt cho sức khỏe của trẻ ở mọi lứa tuổi vì mọi môn thể thao đều đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các động tác và sự tập trung. Để đá bóng vào gôn hay để vật ngã được đối thủ, trẻ cần suy nghĩ và lựa chọn động tác phù hợp nhất. Trẻ không những được tăng cường về thể lực mà còn trở nên nhanh lẹ, năng động hơn.
Cần tạo thời gian cho trẻ thư giãn: Trẻ rất hiếu động, không lúc nào để chân tay yên một chỗ. Vì vậy, bạn nên tạo cho con những giây phút thư giãn. Con bạn sẽ khoẻ mạnh, khéo léo hơn nhiều nếu bạn hướng dẫn con nghỉ ngơi hợp lý.
Tác giả: Linh Nhi
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 10+11 - tháng 10/2010
Ý kiến bạn đọc