Giáo viên sống bằng lương của mình thế nào?

Thứ bảy - 23/10/2010 05:19 3.707 0
"Mấy năm trước, các nhà giáo phấn khởi khi Bộ GD&ĐT tuyên bố: Năm 2010, giáo viên có thể sống bằng lương của mình.
Làm thế nào để có thể "đủ sống" bằng lương đang là băn khoăn của các giáo viên. Ảnh: Chí Cường
Làm thế nào để có thể "đủ sống" bằng lương đang là băn khoăn của các giáo viên. Ảnh: Chí Cường
Theo tôi, hoàn toàn "sống được", nhưng sống như thế nào mới là điều quan trọng" - PGS Văn Như Cương nhận xét về tiền lương GV hiện nay.
 
"Liệu cơm, gắp mắm"
 
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2010, GV sẽ "đủ sống" bằng lương. Tuy nhiên, với các GV, mức lương như hiện nay phải hiểu thế nào là "đủ" và phải "sống" ra sao?
 
Thầy T.M.H, Trường THPT Trực Ninh B (Nam Định) cho biết, sau 5 năm dạy học, tới giờ hưởng lương 2,4 triệu đồng/tháng. Hồi mới đi dạy, thầy H nhận lương 1,8 triệu đồng/tháng, sau 5 năm thêm được gần 700.000 đồng/tháng. Thầy H cho biết, mức lương này hàng tháng rất khó chi tiêu. Nhà thầy H cách xa trường nên tốn tiền xăng xe, ăn uống, điện thoại... chi tiêu dè xẻn lắm thì cũng chỉ vừa vặn tiền lương. Thầy H tâm sự: Khi chưa lập gia đình, tiêu thế nào cũng xong. Giờ có vợ, con nhỏ kèm theo nhiều khoản phát sinh, khiến cho đồng lương cả hai vợ chồng hầu như không có khái niệm "bỏ ống".
 
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT dân lập
Lương Thế Vinh.
Thầy H cho biết thêm, mặc dù ở nông thôn nhưng nếu có con nhỏ sẽ chi tiêu không dưới 3,2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể đến các khoản chi như: ốm đau, hiếu - hỷ, chăm sóc bố, mẹ già... Ở Trường THPT Ninh Trực B, số GV lập gia đình, có con nhỏ chiếm đến 50% GV toàn trường, phổ biến có mức lương từ 2,3 - 3 triệu đồng/tháng. Theo thầy H, với mức lương như vậy, chưa biết bao giờ mới có thể mua được nhà, thậm chí là sửa sang nhà cửa.
 
Cô giáo Nguyễn Thị T, Trường tiểu học L.V.T (Hòa Bình) cho biết: Sau 30 năm dạy học, mức lương của cô hiện giờ được gần 4 triệu đồng/tháng. Cộng với lương của chồng, chỉ đủ nuôi 2 con đang học ĐH. Số tiền lương gần 4 triệu đồng/tháng mang tiếng là cao, nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng chục khoản chi mỗi tháng.
 
Theo cô T, công việc càng ngày đòi hỏi yêu cầu cao, khối lượng công việc gấp đôi so với những năm trước đây. Mỗi tuần cô T phải dạy đến 23 tiết, đi dạy cả ngày mới đủ số tiết này, trong khi đó không có tiền dạy ngoài giờ. Cô T cho biết, khó khăn nhất vẫn là các GV trẻ đã lập gia đình, có con nhỏ... với mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng.
 
Khó "lãng mạn" với nghề
 
Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ năm 2006 đến 2012, Chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu. Từ năm 2006 đến tháng 5/2010, mức lương tối thiểu tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu tăng, thu nhập GV hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần. Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của GV đã tăng 1,44 lần (2,085/1,446).
 

 "Thực tế, giáo viên không đòi hỏi lương cao hơn. Nhưng nếu nói rằng giáo viên đủ sống với lương của mình thì không đúng cho lắm. Lương chưa cao khiến tình trạng lạm thu tại trường học mãi không hạn chế được, tình trạng dạy thêm, chất lượng giáo dục vẫn chưa cải thiện... Nhà nước cần quan tâm chăm lo đến đời sống của giáo viên hơn nữa, tìm nguồn nào đó để hỗ trợ, điều chỉnh mức lương phù hợp".

Ví dụ, nếu một GV tốt nghiệp ĐH ra trường năm 2010 sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng, bao gồm: lương tối thiểu với hệ số lương cơ bản, hệ số phụ cấp ưu đãi (730.000 đồng x 2,34 x 1,35), trong khi ở năm 2006 thì chỉ có mức lương 1,105 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng lên trong khi tiền lương chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho GV, đời sống của một bộ phận nhà giáo gặp nhiều khó khăn.
 
Theo PGS Văn Như Cương, Bộ GD&ĐT công bố năm 2010 GV sẽ sống được với đồng lương của mình. Theo ông, tùy từng đối tượng, nhưng nếu nói GV sống được bằng đồng lương của mình là không đúng với thực tế. Nếu ở Hà Nội, một GV trẻ chưa lập gia đình có "thắt lưng, buộc bụng" cũng phải chi phí hơn 2 triệu đồng/ tháng. Còn GV đã có gia đình, con cái thì kể cả 4-5 triệu đồng chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ cho một tháng.
 
PGS Văn Như Cương lấy ví dụ: "Cách đây 50 năm, khi tôi tốt nghiệp ĐH, lương GV là 74 đồng/tháng. Ăn sáng thì chỉ mất có 1 hào, ăn uống bình thường mất 5 xu, con cái gửi nhà trẻ của trường... Lương không cao, nhưng so với bây giờ quả thực là sướng hơn".
 
Theo PGS Văn Như Cương, đồng lương chưa đủ đồng nghĩa với việc nhiều GV phải kiếm thêm tiền. Đi dạy thêm, luyện thi, làm các công việc khác ngoài giờ lên lớp... Nếu như GV phải bận tâm quá nhiều vào chuyện cơm áo thường ngày thì không thể hy vọng vào những cải tiến, sáng tạo, tự học... Đã vậy, cường độ đứng lớp ở các bậc học từ 16-20 tiết/tuần, rất căng thẳng ở trường, về đến nhà còn phải soạn bài, chấm bài đến tận khuya...
 
"Thực tế, GV không thể không làm thêm, vì thế khó có thể sáng tạo, cải tiến phương pháp dạy. Toàn tâm toàn ý chỉ còn là sự "lãng mạn" với nghề, còn đa phần đã sống thực tế hơn. Cơ chế thị trường đã tạo ra cơ hội cho một số GV thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Nhưng những GV các môn như: Sử, Địa, Giáo dục công dân, Thể chất... hay nói chung, đại đa số GV không làm thêm được ngoại trừ hưởng lương", PGS Văn Như Cương cho biết thêm.
 

Tác giả: GĐ&XH

Nguồn tin: http://vtc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 6 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây