Trẻ em buồn chuyện mừng tuổi!
Trẻ nhỏ, đứa nào cũng thích mừng tuổi. Chúng ta cứ “suy bụng ta ra bụng trẻ” sẽ thấy ngay. Tập quán mừng tuổi cho trẻ (có nơi gọi là lì xì) đã có từ bao đời nay, là một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự quan tâm, mong ước cho con trẻ gặp nhiều điều tốt lành. Những đứa trẻ háo hức chờ Tết từ trước Tết rất lâu. Có em đã dự định bao nhiêu thứ muốn mua, nên lúc nào cũng nói “Chờ Tết có tiền mừng tuổi đã!”. Thật ra trẻ con không thiếu thốn thứ gì, cha mẹ đã đáp ứng cho chúng đầy đủ. Nhưng chúng vui vẻ và mong đợi “tiền mừng tuổi” vì thường thường cha mẹ cho chúng sở hữu món tiền ấy, chúng được tự do chi tiêu (trong khuôn khổ) mà không bị giám sát hay phải khai báo cha mẹ quá chi tiết.
Tuy nhiên, không phải với đứa trẻ nào “tiền mừng tuổi” cũng mang lại niềm vui. Có em gái đã khóc tức tưởi, bởi khi khách đến chơi nhà vừa ra khỏi cửa, mẹ cháu đã vào giật lấy “phong bao lì xì”, bóc toạc ra, đếm tiền, mỉm cười và … đút vào túi mình. Khi bé gái đòi lại thì bị mẹ cháu quát mắng rằng: “Người ta mượn cớ mừng tuổi mày, chứ thật ra người ta biếu tao. Mày là cái gì mà người ta mừng tuổi 3 triệu? Để tao giữ, còn bao nhiêu việc phải lo đấy!”. Có cháu bé sau Tết hí hửng ngồi đếm tiền mừng tuổi, cũng bị bố gạ gẫm: “Đưa đây cho bố cầm cho”. Khi đứa con không đồng ý, vì nó muốn được giữ làm của riêng thì liền bị bố “cho một bài” kể công trạng: “Con cái nhà hư đốn. Ai nuôi ăn học hàng ngày? Ai may quần lành áo đẹp cho? Ai hàng tháng đóng bao nhiêu tiền ăn học? Vậy mà có vài đồng bạc cũng đòi giữ riêng. Thôi, từ mai tự lấy tiền ấy mà ăn sáng nhé!”. Thấy bố nói thế, cháu bé đành ngậm ngùi chia tay với túi tiền mừng tuổi mà cháu đã gom góp suốt mấy ngày Tết. Cầm túi tiền con đưa, bố cháu bé cười, nói: “Có thế chứ”, còn cháu thì rơm rớm nước mắt.
Tuy nhiên, nỗi buồn của các em bé kể trên chưa thấm vào đâu so với cô bé tên Hương. Em đã 14 tuổi, bố mẹ bỏ nhau, em ở với bà ngoại. Mẹ em bỏ đi đâu mấy năm nay không rõ, còn bố thì chung sống không hôn thú với “một cô” đã bỏ chồng, có hai đứa con riêng. Bà ngoại em đã bẩy mươi tuổi, sống nhờ quán nước vỉa hè. Đêm Giao thừa năm ngoái, hai bà cháu dắt nhau ra Bờ Hồ hái cành lộc, rồi đợi qua giao thừa về nhà tự xông nhà mình. Hai bà cháu ôm nhau khóc vì thấy cô quạnh. Khi bà đã đi nằm, em gọi điện thoại tâm sự với các cô chú làm tư vấn tâm lý tình cảm. Thiếu vắng bố mẹ trong gia đình như vậy, nhưng khi được hỏi em có mong bố mẹ về ăn Tết cùng không, em bảo: “Thôi, cháu sợ mai kia ông ấy về, có đồng tiền mừng tuổi nào của cháu, ông ấy lại lấy sạch đem đi cho con “cô bồ” như Tết năm ngoái thì chết. Cháu chỉ thấy hơi nhớ mẹ thôi!”.
Người lớn lo chuyện lì xì!
Ngày nay, hình như cái ý nghĩa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi cho trẻ em đã không còn bao nhiêu nữa. Thay vào đó, người ta mượn cớ mừng tuổi để trả ơn nhau, trả nợ nhau, lấy lòng nhau và phô trương “sự hào hiệp” với nhau.
Mừng tuổi sếp, mừng tuổi con sếp, mừng tuổi bố mẹ sếp, mừng tuổi thầy cô, mừng tuổi con bạn bè, mừng tuổi em người yêu, cháu bé giúp việc nhà thủ trưởng. Ngày Tết, đi đến đâu mà không dắt vào túi ít tiền mới hay một số phong bao lì xì với các mệnh giá tiền khác nhau thì người ta thấy thiếu tự tin hẳn đi. Lì xì, mừng tuổi bây giờ đâu có phải chỉ vài đồng tiền lẻ, mới cứng “cạo râu được” để lấy may như trước đâu, toàn tiền to cả đấy chứ. Tùy mối quan hệ mà mừng tuổi năm chục, một trăm đến hàng chục triệu đồng, kể cả tiền Đô nữa. Ai khá giả, mừng nhiều thì kiêu hãnh rút trong ví “xoẹt một cái” ra tờ một trăm, hai trăm, năm trăm. Có người kinh tế eo hẹp, ngại để tiền mệnh giá thấp, đã phải bỏ vào phong bao lì xì, dán kín lại, vậy mà vẫn thấy hèn hèn thế nào ấy. Một chị kể rằng riêng tiền mừng tuổi, tính sơ sơ cũng mất hai tháng lương giáo viên. Sợ nhất là cảnh đi chúc Tết, trước khi vào nhà ai, phải đứng ở cổng hay chỗ gửi xe, kiểm tra lại túi của mình xem có đủ tiền mừng không. Có người phải mở bao lì xì xem lại, kẻo đưa nhầm người đáng mừng ít lại mừng nhiều. Khổ hơn nữa là đến nhà người ta, khách khứa đông, chưa rút được đồng tiền mừng tuổi cho con cái người ta thì chưa dám đứng dậy ra về. Nhưng nếu lấy tiền ra mừng trẻ con, thì còn con cái nhà khác chơi cùng thì sao?. Không lẽ chọn con nhà chủ để mừng, còn con nhà khách của chủ nhà lại… bỏ qua?
Khổ hơn nữa là chuyện mừng tuổi trả nợ. Khi khách đến mừng tuổi con mình, bố mẹ phải hỏi lại con xem bác A, chú B vừa mừng con bao nhiêu, để hôm sau hay chỉ lát nữa, đến nhà người ta chúc Tết cũng phải mừng tương đương, hoặc nhiều hơn tí chút, chứ ít hơn, người ta “coi thường”. Có lần, một cháu bé kiên quyết không nói lời cảm ơn khách vì đã mừng tuổi, dù bố mẹ nhắc nhở vài lần. Khi khách về, cháu bảo: “Bố mẹ mừng tuổi con bác ấy thì bác ấy mừng lại con, đấy là đổi tiền đấy chứ, việc gì con phải cảm ơn!”.
Mừng tuổi – chuyện dài nhiều tập!
Chuyện mừng tuổi, mừng đám cưới là những chuyện dài nhiều tập, nói đi nói lại vẫn không hết. Không những thế, “nó” còn ngày càng có vẻ biến tướng, quá đà. Tôi kể chuyện này vào dịp đầu Xuân không có ý muốn loại trừ chuyện mừng tuổi ra khỏi cái Tết, mà chỉ muốn nhắc nhở rằng chính chúng ta tự mua dây trói mình khi chú ý tới nó quá nhiều. Hãy để con cái chúng ta được sống trọn vẹn với niềm vui có ít tiền mừng tuổi. Dù số tiền có lớn bao nhiêu cũng đừng vội vàng tước đoạt của con. Hãy cho con cái cơ hội được làm chủ, quản lý, sử dụng đồng tiền ấy, tất nhiên cần có sự nhắc nhở, định hướng chi tiêu của người lớn. Còn người lớn, chúng ta có nhiều cơ hội để trả ơn, trả nợ, để thể hiện sự hào phóng của mình, đừng “mượn gió bẻ măng”, đừng dựa dẫm vào thuần phong mĩ tục của dân tộc để làm những điều không đẹp. Cũng xin nhắc rằng đừng ai đánh giá sang, hèn, rộng rãi hay hẹp hòi chỉ vì người khác mừng tuổi con mình nhiều hay ít. Đừng quên “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Ngày Tết có bao nhiêu điều vui, hãy cùng nhau tận hưởng để củng cố mái ấm gia đình, gia tăng tình cảm đồng nghiệp, xóm giềng, đừng vì những điều không đáng có mà làm hỏng không khí Tết mỗi năm mới chỉ có một lần.
Tác giả: Đinh Thị Thanh Thủy
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 14+15 – tháng 1+2/2011
Ý kiến bạn đọc