Từ lâu, các nhà tâm lý học, giáo dục học đã cảnh báo về sự lây lan của căn bệnh đổ lỗi này. Họ cho rằng một đứa trẻ nói riêng và một con người nói chung chỉ tiến bộ khi sau mỗi vụ việc biết nhận ra một phần hay hoàn toàn trách nhiệm ở bản thân thì mới có thể cố gắng khắc phục, vươn lên. Nhưng có lẽ căn bệnh này phổ biến tới mức người lớn cũng không ý thức để phòng và chống được nữa. Khi con cái học giỏi, ngoan ngoãn, thành đạt, người bố, người ông vui vẻ nhận rằng: "Con nhà công chẳng giống lông cũng giống cánh, nó giỏi như bố nó ngày xưa", hay "nhà có truyền thống từ mấy đời nay mà". Vậy mà khi con cháu hư, học kém, bỏ học, vi phạm pháp luật, bố đổ lỗi cho mẹ, ông đổ lỗi cho bà và cả hai đồng thanh hô: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".
Khi lớn lên một chút, đứa trẻ học được cách đổ lỗi của người lớn, hoặc người lớn vô tình hàng ngày gieo vào đầu óc của chúng những lỗi lầm của người khác. Học kém, nó bảo tại thầy giáo giảng nhanh, nó không nghe được. Bỏ học đi chơi điện tử, bị cha mẹ bắt được, nó bảo tại bạn A, bạn B rủ con. Bị thi lại môn nào đó, cả bố và mẹ nghĩ rằng:"Hay tại hôm 20 - 11 mình quên không tặng … hoa cho cô?". Hai đứa trẻ xích mích, đánh cãi nhau, bố mẹ chạy ra bênh con, mắng té tát con nhà khác rằng: "Mày mất dạy, con tao nó làm sao mà mày gây sự!". Rồi có khi cả hai bên bố mẹ vào cuộc, thi nhau nói tốt cho con mình, nói xấu con người, dần dần thành cuộc khẩu chiến bất phân thắng bại. Trong khi đó hai đứa trẻ đã làm lành và tiếp tục chơi với nhau rồi.
Tâm lý đổ lỗi được học từ nhỏ, nó còn đeo đẳng con người suốt cuộc đời. Khi thành công trong công việc, học hành, sự nghiệp, người ta không tiếc lời tự khen ngợi bản thân. Khi nói về những thất bại, người ta thường tìm những nguyên nhân từ bên ngoài như tình hình chính trị xã hội bất ổn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, văn hóa độc hại…Trong các bản kiểm điểm cá nhân, mục "Ưu điểm" được viết khá dài, đầy đủ. Nào là có sự nỗ lực của bản thân, không ngừng học hỏi vươn lên, biết tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp, biết nắm bắt thời cơ, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của những người đi trước… Nhưng gần như đã thành "thói quen", trong phần "khuyết điểm" người ta viết rất sơ sài. Có trường hợp phải "vắt óc" để nghĩ ra một vài khuyết điểm nho nhỏ như:"Tinh thần đấu tranh phê và tự phê còn hạn chế", nào là: "Đôi lúc còn rụt rè, khiêm tốn quá mức".
Một tờ báo có nội dung không hay, bán được ít, ban lãnh đạo đổ lỗi ngay cho "văn hóa đọc của người dân ngày càng giảm sút". Một quán ăn phục vụ tồi, khách hàng bỏ sang quán bên cạnh, chủ quán ế khách nghĩ ngay rằng do chủ quán bên kia "chơi xấu", lôi kéo khách của mình. Cứ như vậy, khó mà có sự tiến bộ, thành công!
Chúng ta nói nhiều đến dạy cho con em mình giá trị sống, kỹ năng sống. Nhưng một trong những kỹ năng quan trọng nhất là nhận ra "giá trị đích thực" của mình và dũng cảm nhận ra sai lầm của mình mỗi khi thất bại. Thất bại có thể dìm người này xuống bùn đen, nhưng nó cũng có thể là mẹ của thành công đối với người khác. Trong việc rèn kỹ năng này, cha mẹ, thầy cô, người lớn phải làm gương. Con học kém, cha mẹ mạnh dạn nói với con rằng bố mẹ có một phần trách nhiệm, chưa thực sự quan tâm và giúp đỡ con. Con ngã, nhắc con gượng đứng dậy và hỏi con có biết tại sao con ngã không? Nếu trẻ không nhận ra, hãy cho trẻ thấy do nó vội vàng, bất cẩn, cần chú ý lần sau. Cứ như vậy, trẻ em hình thành thói quen tìm ra những khiếm khuyết, sai lầm của mình để có hướng khắc phục, để tiến bộ.
Căn bệnh đổ lỗi tuy không làm chết người, nhưng nó làm hư hoại tâm hồn, trí tuệ, cản bước đường phát triển của cá nhân và cộng đồng, rất cần mọi người quan tâm và chung tay khắc phục!
Tạp chí Giáo dục Thủ đô
(Số 17 - tháng 4/2011)
Ý kiến bạn đọc