TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA THĂNG LONG – HÀ NỘI

Thứ sáu - 27/08/2010 13:50 13.707 0
Nhằm giúp học sinh nắm vững hơn những kiến thức cơ bản nhất về quá trình phát triển và truyền thống lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội, từ đó nâng cao lòng tự hào và ý thức xây dựng Thủ đô, phấn đấu trở thành người học sinh Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA THĂNG LONG – HÀ NỘI

 

I. Ngàn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Trên vùng đất Hà Nội ngày nay, cách đây khoảng hai vạn năm, đã có người nguyên thủy đến sinh sống. Những công cụ lao động của họ còn để lại ở xứ đồng Đông Thành, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh và ở xã Vạn Thắng huyện Ba Vì.

Thời Hùng Vương - An Dương Vương, cư dân Hà Nội cổ đã góp phần quan trọng tạo nền móng cho nền Văn minh Sông Hồng - nền văn minh đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Huyền thoại Thánh Tản Viên và huyền thoại Thánh Gióng thuộc tứ bất tử trong tâm linh người Việt. An Dương Vương, Cao Lỗ, Lý Ông Trọng là những nhân vật tiêu biểu của cộng đồng cư dân sống bên bờ sông Nhị, núi Tản.

Tiếp đó, trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, cộng đồng cư dân sống bên bờ sông Nhị, núi Tản đã cùng cả nước liên tục đấu tranh chống âm mưu đồng hóa của kẻ thù, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác. Với lòng yêu nước nồng nàn, người dân ở đây đã nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa chống ngoại xâm. Tiêu biểu là hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền

Năm 1010, với việc chọn Đại La làm kinh đô, Lý Công Uẩn là người khai sáng kinh thành Thăng Long. Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, cư dân Đại La, Thăng Long, Xứ Đoài cùng với cư dân Xứ Bắc, Xứ Nam bằng mồ hôi và xương máu của mình đã góp phần xây dựng nền văn hóa Thăng Long, nền Văn minh Đại Việt, một nền văn minh rực rỡ vào bậc nhất Đông Nam Á thời đó.

Hà Nội là mảnh đất đã sinh ra nhiều anh hùng, đồng thời cũng có nhiều anh hùng thành danh ở Hà Nội, tiêu biểu là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung… Cư dân ở đây cùng với cả nước đã lập nên những chiến công lừng lẫy chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh…

Từ nửa sau thế kỉ XIX đến năm 1945, người dân Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây và các vùng phụ cận đã anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp đó, họ đã tích cực góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong những năm 1946 - 1954, nhân dân Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây và các vùng phụ cận bằng nhiều hình thức khác nhau đã tích cực góp phần vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Trong những năm 1955-1975, nhân dân Hà Nội và các vùng phụ cận đã tích cực tham gia xây dựng đất nước, chi viện cho miền Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mĩ cứu nước. Đặc biệt, quân dân Hà Nội đã trực tiếp góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, buộc đế quốc Mĩ phải kí Hiệp định Pa-ri tháng Giêng năm 1973 về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Hà Nội cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Mười năm sau ngày thống nhất đất nước, Thủ đô cùng cả nước bước vào thời kì Đổi mới. Cùng với sự thay đổi cơ chế quản lý, Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt.

Ngày 17 tháng 6 năm 1999, Hà Nội được UNESCO quyết định trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, trở thành một trong năm thành phố tiêu biểu của thế giới.

Tháng 10 năm 2000,  thành phố Hà Nội được Chủ tịch nước ký bằng tặng thưởng danh hiệu Thủ đô anh hùng vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 8 năm 2008, Thành phố Hà Nội  được mở rộng địa giới hành chính, bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.

II. Những truyền thống của người Hà Nội

          1. Truyền thống yêu nước

Truyền thống yêu nước của người Hà Nội được thể hiện trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đô thị từ xa xưa đến ngày nay. Với truyền thống yêu nước, những chủ nhân của Thăng Long Hà Nội đã gắn bó với mảnh đất này bằng việc chế ngự các thế lực siêu nhiên để xây thành, chống lũ lụt, kiến thiết tổ chức đô thị tạo nên hoàng thành Thăng Long (nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới).

Truyền thống yêu nước của người Hà Nội còn được thể hiện trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Chính trong hoàn cảnh đó lòng yêu nước của người Hà Nội đã được bộc lộ với những phẩm chất anh hùng, bất khuất trước kẻ thù tàn bạo. Tiếng thơ của Lý Thường Kiệt, của Phạm Ngũ Lão, gương hi sinh oanh liệt của những người đã cảm tử vì Hà Nội đã khẳng định tình yêu tha thiết của người Hà Nội đối với thành phố, đối với đất nước.

Ngày nay, với lòng yêu nước, người Hà Nội đang kiến thiết, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

2. Truyền thống nhân nghĩa, khát vọng hòa bình

Trong đời sống hàng ngày, với bản tính yêu chuộng hòa bình, người Hà Nội có nếp sống khoan hòa, nhã nhặn. Những mối quan hệ dung hòa có gốc rễ trong truyền thống nhân ái đã làm cho nhân tài của các vùng miền đến làm ăn, gắn bó lâu dài với Hà Nội, trở thành cư dân Hà Nội và đóng góp cho mảnh đất ngàn năm văn vật.

Ngay trong hoàn cảnh phải chiến đấu với kẻ thù, người Hà Nội vẫn là những con người giàu nhân nghĩa, Thăng Long vẫn là mảnh đất của hòa bình. Người Hà Nội đã chứng kiến những thế trận đánh giặc của những người đứng trên lập trường nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình, kết thúc chiến tranh bằng những biện pháp mềm dẻo như Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung... Tầm vóc chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn được ghi dấu với sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa: Hội thề Đông Quan không chỉ là thế trận "lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều" mà còn  nêu cao chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của dân tộc ta. Ngày nay, người Hà Nội thể hiện khát vọng hòa bình của mình bằng việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, bằng việc hội nhập với cộng đồng quốc tế.

3. Truyền thống sáng tạo

Thăng Long – Hà Nội là nơi thu hút nhân tài bốn phương, nơi các nhân tài có điều kiện phát triển. Đặc điểm này có ảnh hưởng rất lớn đến các tầng lớp cư dân Hà Nội, tạo nên khuynh hướng coi trọng học vấn, coi trọng tri thức, coi trọng tài năng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, tạo nên truyền thống người Hà Nội sáng tạo trong chiến đấu, trong lao động và thưởng thức nghệ thuật.

Sự sáng tạo của người Hà Nội thể hiện ở lối nghĩ, cách làm không máy móc, áp đặt, biết linh hoạt phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, biết lựa chọn ứng xử, hành động mềm dẻo, khéo léo. Bên cạnh những nhân tài thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quân sự, chính trị, Thăng Long - Hà Nội còn có những nghệ nhân, những người thợ của các vùng quê đến kinh kỳ lập nghiệp. Họ trở thành người Kẻ Chợ "khéo tay hay nghề" bởi tay nghề được rèn luyện thêm nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi khắt khe của khách hàng chốn kinh đô.

4. Phẩm chất thanh lịch, văn minh

Thanh lịch, văn minh là phẩm chất được thể hiện ở số đông người Hà Nội, người đến định cư ở Hà Nội và ở những người từng sống ở Hà Nội nay sống ở mọi miền đất nước.

Truyền thống thanh lịch, văn minh thể hiện trong lời nói “Người thanh tiếng nói cũng thanh”, nhã nhặn, ý tứ, làm đẹp lòng người khác.

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong cách ăn ở gọn gàng, nền nếp, trong cách hưởng thụ cuộc sống thiên về khía cạnh tinh thần hơn vật chất,

Trong hành động, ứng xử, phẩm chất thanh lịch, văn minh biểu hiện ở sự hiểu biết, thái độ tôn trọng người khác. Sự tế nhị, kín đáo, chừng mực, vừa phải làm cho việc tiếp xúc của người Hà Nội với người khác trở nên thoải mái, cởi mở.

Kế thừa và phát huy những truyền thống và phẩm chất trên, ngày nay người Hà Nội vẫn ra sức lao động, học tập, làm cho Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hội nhập với thế giới.

III. Học sinh Hà Nội giữ gìn và phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội

Yếu tố quan trọng nhất của truyền thống, của sự phát triển và hội nhập là con người. Để gìn giữ và phát huy truyền thống người Hà Nội, mỗi học sinh cần học tập và rèn luyện một cách toàn diện.

Qua sinh hoạt hàng ngày như ăn, mặc, vui chơi, giao tiếp…, chúng ta có thể thấy được biểu hiện cụ thể của truyền thống. Để gìn giữ những giá trị truyền thống của người Hà Nội, cần có thói quen ăn ở ngăn nắp, gọn gàng, quần áo, sách vở, đồ dùng cá nhân được để đúng nơi, đúng chỗ, tránh sự tùy tiện, bừa bộn, mất vệ sinh; biết tự sắp xếp công việc, nghỉ ngơi của bản thân sao cho phù hợp; biết tôn trong sở thích cá nhân của người khác, ứng xử thông minh, khéo léo, tôn trọng, hòa nhã với bạn bè trong sinh hoạt, giao tiếp; bảo vệ, giữ gìn của công.

Nhà trường vừa là môi trường tạo nên những giá trị văn hóa, vừa thẩm định những giá trị văn hóa. Trong học tập, mỗi học sinh cần biết giữ gìn, phát huy truyền thống bằng những việc làm cụ thể như có thái độ kính trọng thầy cô giáo, lễ phép với các cô chú cán bộ, nhân viên, các vị khách đến thăm, liên hệ công tác tại trường, hòa nhã với bạn bè; trang phục đến trường gọn gàng, sạch sẽ, đúng quy định, phù hợp với lứa tuổi, với thời tiết theo mùa; không đua đòi, ăn diện; có thái độ tự tin, biết học tập có phương pháp, sáng tạo, biết chia sẻ kinh nghiệm cũng như những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình học tập với thầy cô giáo, với bạn bè…

Trong các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, việc sàng lọc, lựa chọn để có ứng xử đúng đắn trong các mối quan hệ xã hội là điều hết sức cần thiết để nối tiếp truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, học sinh cần tham gia vào các hoạt động xã hội lành mạnh, có ý nghĩa tích cực như làm vệ sinh đường phố, khu phố, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chấp hành luật lệ giao thông, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn...; biết phê phán những hiện tượng không lành mạnh, không a dua, đua đòi; làm việc, vui chơi giải trí có giờ giấc, không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh…

Mỗi việc làm tốt đều có thể đem đến niềm vui cho bản thân và cho những người xung quanh, góp phần làm cho những giá trị của thành phố ngàn năm tuổi tỏa sáng.

----------

Tải toàn bộ văn bản về dạng word

Tác giả: Trần Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 93 trong 23 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 23 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây