Nước Mỹ đang lâm nguy và hết thuốc chữa? Theo Fareed Zakaria - người dẫn chương trình đài CNN và là cây bút của Time - người Mỹ có thể đảo ngược tình thế bằng cách sử dụng một loại "vũ khí" thần kỳ: cách tân nền giáo dục Mỹ.
Nhà báo Mỹ gốc Ấn này cho rằng nước Mỹ chỉ có hai lựa chọn: hoặc cải cách hệ thống nhà trường của mình hoặc chấp nhận mức sống thấp hơn. Theo ông, nền giáo dục Mỹ vốn là động lực cho sự phát triển xã hội đang như một cỗ máy gặp nhiều trục trặc.
Trước hết, giáo dục [phổ thông] của Mỹ đang xuống dốc thảm hại thể hiện qua việc học sinh Mỹ thua xa bạn bè đồng lứa tại nhiều nước khác. Học sinh Mỹ chỉ xếp hạng 26 trên thế giới, dưới đáy trong số các nước phát triển, thấp hơn nhiều so với các nước cùng nhóm như Đức, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Canada và Singapore.
Tiêu biểu cho sự tuột dốc không phanh này là hệ thống giáo dục công lập tại bang California. Một thời là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ bốn mươi năm trước, hệ thống trường công ở California là nơi Steve Jobs, ông chủ huyền thoại của Apple, mài đũng quần. Nhưng ngày nay, hệ thống này chỉ còn là bóng mờ của quá khứ lẫy lừng và đang thuộc nhóm "đội sổ" trong cả nước.
Theo Zakaria, sự xuống cấp của giáo dục đã dìm mức lương của người lao động Mỹ trong suốt 30 năm qua. Ai cũng biết giáo dục là con đường ngắn nhất dẫn đến thăng tiến lên các nấc thang xã hội. Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, lời khẳng định trên càng ứng nghiệm hơn khi tỷ lệ thất nghiệp trong số những người tốt nghiệp đại học ở Mỹ là 4% so với 14% của nhóm tương ứng chưa tốt nghiệp phổ thông.
Bây giờ hay nhìn sang Hàn Quốc xem nước này đã tạo ra sự thần kỳ bằng cách nào. Chẳng có gì là thần kỳ cả: đó là làm việc nhiều giờ hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Tính trung bình, sau 12 năm học phổ thông, học sinh Hàn Quốc có số giờ học nhiều hơn học sinh Mỹ hai năm vì thời gian học mỗi ngày nhiều hơn trong khi năm học cũng dài hơn!
Giáo dục là con đường ngắn nhất dẫn đến thăng tiến lên các nấc thang xã hội. Ảnh minh họa |
Nhưng liệu có phải trong giáo dục, bắt học sinh phải học nhiều hơn là con đường duy nhất dẫn đến thành công?
Zakaria cho rằng câu trả lời đến từ Phần Lan. Tại quốc gia Bắc Âu này, học sinh đến trường muộn hơn một năm so với đa số các nước và các nhà giáo dục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sáng tạo cá nhân trong khi ít chú trọng đến thi cử.
Bù lại, Phần Lan có được đội ngũ giáo viên tuyệt vời. Nhà giáo ở Phần Lan được trả lương cao và được coi trọng không thua gì nghề bác sĩ và luật sư. Để làm thầy giáo, mọi ứng viên tại Phần Lan phải trải qua sự cạnh tranh và sàng lọc khắc nghiệt. Tất cả các giáo viên đều phải có bằng thạc sĩ và chỉ một người trụ được trong số 10 ứng viên!
Ngược lại ở bên kia bờ đại dương, thống kê cho thấy gần phân nửa sinh viên sẽ trở thành giáo viên tương lai của nước Mỹ có thành tích tệ hại nhất trong số các sinh viên đại học!
Cho đến nay với một quỹ năm tỉ đô la, cựu chủ tịch Microsoft Bill Gates đã đi tìm lời giải cho bài toán giáo dục của nước Mỹ. Và lời giải của ông là hãy tìm cho được những người thầy tốt nhất. Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy, nếu được hướng dẫn bởi nhóm giáo viên ưu tú nhất, học sinh da đen sẽ đuổi kịp học sinh da trắng sau bốn năm.
Chấn hưng giáo dục trên con đường phục hưng kinh tế đã được Bill Gates chỉ ra. Có lẽ đến đây, ai trong chúng ta cũng thấy rằng Việt Nam nên làm gì với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Chúng ta đều đồng ý rằng giáo dục Việt Nam đang giậm chân tại chỗ so với các nước khác trong khu vực dù chúng ta đang buộc con em mình phải học nhiều hơn. Có người đổ lỗi cho "bệnh chạy theo thành tích". Nhưng thực chất đằng sau cụm từ vừa khó định tính vừa khó định lượng này là gì?
Nhân năm học mới vừa bắt đầu, chỉ xin nhắc lại hai điều. Thứ nhất, chúng ta cần củng cố chức năng cơ bản của giáo dục. Đó là trồng người bằng kiến thức và đạo đức. Hãy đưa ra hệ thống giáo trình thiết thực cho mục tiêu này thay vì chạy theo những mục đích xa vời và hãy trả lại cho nhà trường sự tự chủ cần có.
Thứ hai, từ những câu chuyện kể trên, người thầy cần được giúp đỡ để lấy lại vị trí xứng đáng trong nhà trường và trong xã hội. Tuy việc làm sao để nhà giáo Việt Nam đạt được những gì các đồng nghiệp tại Phần Lan đang có là điều không hề đơn giản - đòi hỏi nỗ lực toàn xã hội - nhưng với tư cách là cơ quan quản lý nền giáo dục, bộ Giáo dục và Đào tạo phải là nơi bắt đầu. Không phải hai hay ba năm nữa mà là ngay bây giờ, ngay hôm nay.
Theo Sơn Tùng/ TBKTSG
Ý kiến bạn đọc