'Cần kế thừa tinh hoa của giáo dục thời chiến'

Thứ ba - 25/09/2012 11:16 2.703 0
"Về giáo dục phổ thông, quan điểm của tôi nên 11 năm. Hiện có những kiến thức học xong ra trường không dùng, nguyên nhân xuất phát từ việc không thiết thực", nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học Nguyễn Kế Hào cho biết.

- Từng xin từ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học để phản đối chương trình sách giáo khoa mới của Bộ GD&ĐT triển khai năm 2002, sau 10 năm, ông thấy cuộc cải cách đó đã đem lại những lợi ích gì cho nền giáo dục nước ta?

- Năm 2001 tôi xin từ chức vì góp ý mãi mà Bộ không nghe. Tôi thấy Dự án chương trình tiểu học 2000 chưa đúng, chưa hay. Việc cải cách được thực hiện theo một chu trình ngược, nghĩa là biên soạn sách giáo khoa mới khi chưa có thiết kế tổng thể, định hướng rõ ràng.

Chương trình sách giáo khoa mới viết ra khi điều kiện chưa đủ độ chín. Thế nên sau đó hai năm trung ương ra nghị quyết phải giảm tải. Trong 10 năm đã có hai lần giảm tải. Ngay cả những người viết sách cũng cho rằng chương trình quá nặng, giảm đi cũng không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đến cuộc đời của người học.

Trước đây sở dĩ chúng ta thực hiện được phổ cập giáo dục tiểu học là vì có bốn bộ sách. Khi chỉ có một bộ duy nhất cho tất cả học sinh trên toàn quốc, do mấy vị viết vội vàng nên sự bất cập đã thấy rõ. Thực tế cho thấy tôi đúng. Chương trình sách giáo khoa mới giống như cách tiêu tiền dự án rồi bắt người học phải chạy theo.

1
Từng từ chức Vụ trưởng vì góp ý vấn đề đổi mới giáo dục không được Bộ Giáo dục tiếp thu, thầy Nguyễn Kế Hào cho rằng chương trình giáo dục hiện tại không tốt, cần đổi mới theo hướng tiếp thu cái tinh của giáo dục thời chiến. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Năm 2002 ông cho rằng điều kiện để cải cách giáo dục chưa chín muồi, vậy thời điểm hiện tại, giáo dục đã đến lúc phải đổi mới hay chưa, thưa ông?

- Nhà nước ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bác Hồ cũng đã nói "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ phần lớn vào công học tập của các em". Thời kháng chiến, bộ đội đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc là có công với nước, trong thời bình, thế hệ trẻ đi học cũng là có công xây dựng đất nước.

Vì vây, Bác nói phải dạy tốt, học tốt và phong trào thi đua dạy tốt học tốt dấy lên từ năm 1961 - 1962, lúc đó nhà trường lành mạnh, quan hệ thầy trò đẹp. Kinh tế khó khăn nhưng thầy luôn cố gắng dạy tốt, học sinh chăm chỉ học hành. Năm 1968, khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, Bác gửi thư cho ngành giáo dục nhắc nhở "Dù có khó khăn đến đâu vẫn phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt". Đó là cái lõi, cái gốc, cái cơ bản nhất của vấn đề.

Hiện cả xã hội quan tâm đến giáo dục. Nhà nhà, người người đều nghĩ đến việc học, đó là đáng mừng. Ai cũng nhận thấy chương trình giáo dục của ta đang quá nặng. Nặng không phải vì cao, mà nặng vì nó không tốt. Tính logic không chặt chẽ, xử lý không tinh, nhiều thứ chồng chéo nhau và có những kiến thức không thiết thực.

Đã đến lúc, giáo dục cần đổi mới căn bản và toàn diện để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, cung cấp nguồn nhân lực giỏi để đưa đất nước sánh vai với các nước khác.

- Khi phản đối chương trình giáo khoa mới ông cho rằng Bộ đã cải cách theo chu trình ngược. Vậy theo ông, đâu là chu trình xuôi để đổi mới giáo dục hiệu quả?

- Nhà trường lập nên là để cho học sinh học, muốn học phải có thầy dạy. Thế nên, muốn đổi mới gì, cải cách gì cũng phải gắn với thầy và trò để tạo ra chất lượng giáo dục mới, cao hơn giai đoạn cũ.

Đổi mới giáo dục là để xây dựng một nền giáo dục phát triển lành mạnh, bền vững bằng con đường chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Con đường ấy dài lắm, cần có những bước đi, từng giai đoạn cụ thể, phải hệ thống hóa thành chủ trương, chính sách. Không có một nền giáo dục trong tưởng tượng, phải rất thực tế, và giáo dục là của mọi người, không của riêng ai.

Chuẩn hóa phải bắt đầu từ trường sở, xây dựng trường chuẩn, giáo viên phải đạt chuẩn tay nghề, kiến thức và lương của họ cũng phải đạt chuẩn. "Toàn diện" không phải là dàn hàng ngang, mà cái nào cần làm thì làm ngay, nơi nào cơ sở vật chất kém thì đầu tư, giáo viên chưa tốt thì đào tạo lại. Cái yếu kém bộc lộ ở từng cơ sở, không thể nói chung chung được.

Về giáo dục phổ thông, quan điểm của tôi là nên 11 năm. Tiểu học vẫn giữ 5 năm, các nước phát triển như Anh, Mỹ... họ vẫn tập trung giải quyết tốt cái cơ bản, nền móng, tạo điều kiện cho các em tiếp thu tốt ở cấp học sau. Chất lượng giáo dục cũng phải đối chiếu với mục tiêu giáo dục và được đánh giá cả quá trình. Không thể chờ đến kì thi lớp 12 mới đánh giá.

THCS phổ cập đến lớp 9, tuổi này vì điều kiện, hoàn cảnh một bộ phận học sinh có thể học nghề, lao động. Còn những em học đến lớp 11 là để đào tạo nguồn nhân lực cao, vào đại học tinh hoa. Như vậy tiết kiệm được một năm cho các em và cho xã hội. 17 tuổi bẻ gãy sừng trâu, nhiều em ở nông thôn lên cấp 3 đã đi làm, nuôi mình, nuôi gia đình mà vẫn học giỏi, nên chúng ta không phải lo các em chưa đủ độ chín để lăn lộn xã hội. Việc học là suốt đời, các em kết thúc phổ thông, đại học vẫn phải học tiếp để hoàn thiện bản thân.

Ngày xưa vì điều kiện chiến tranh nên chương trình học rất tinh, đảm bảo những kiến thức cơ bản để người học vào đời và tiếp tục phát triển ở giai đoạn sau. Vậy tại sao mình không kế thừa bài học đó? Hiện có những kiến thức các em học xong ra trường không dùng đến, không có cũng không sao bởi học xong rồi các em cũng quên đi. Nguyên nhân xuất phát từ việc không có nhu cầu, không thiết thực với cuộc sống để các em phải nhớ.

- Hiện có rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục kiến nghị các giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vậy theo ông, phải làm cách nào để chọn ra được những đề xuất tốt nhất?

- Các giải pháp đổi mới giáo dục theo tôi cần đảm bảo ba tiêu chí. Thứ nhất là tầm nhìn. Các cụ xưa đã nói phải biết nhìn xa, trông rộng. Xa tức là thời gian có lâu dài không? Giáo dục mà cứ một sớm một chiều, thay đổi xoành xoạch thì người ta theo không kịp. Ngoài ra, chương trình đó có bao phủ được cả đất nước không, nhìn ra ngoài có tương đương hay không?

Thứ hai là tính khoa học ở từng chuyên ngành, đặc biệt là khoa sư phạm. Thứ ba là phải thực tế, thể hiện ở hai mặt: có khả thi và đem lại lợi ích hay không. Việc đổi mới nếu tốn kém quá mà lại không đem lại lợi ích thì không nên làm.

Giáo dục là con đẻ của xã hội nên cần làm tốt giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội. Điều này đã nói từ lâu, nhưng giờ phải làm sao để làm tốt điều đó, giúp cho nền giáo dục lành mạnh, bền vững, chất lượng cao hơn.

- Hiện nay có nhiều tỉnh, thành nói không với bằng liên thông, tại chức như vậy là mâu thuẫn với định hướng học tập suốt đời. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Trường lớp mở ra là để tạo điều kiện cho người ta học. Tôi cũng có nghe nhiều người nói hệ liên thông, tại chức quá nhiều tiêu cực nên muốn dẹp bỏ. Tuy nhiên, như vậy đúng là mâu thuẫn, bởi muốn người ta đi học suốt đời nhưng lại từ chối bằng cấp do việc học tập suốt đời mà có.

Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Có người học thẳng một mạch, nhưng cũng có người học xong, đi làm rồi lại đi học. Tôi cho rằng đi làm rồi học tiếp rất tốt vì tiếp thu được nhiều hơn khi đã có trải nghiệm xã hội. Thực tế, nhiều lãnh đạo của ta đương chức cũng là học tại chức mà ra.

Hoàng Thùy thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây