LÝ CÔNG UẨN - NGƯỜI SÁNG LẬP VƯƠNG TRIỀU LÝ VÀ KINH THÀNH THĂNG LONG

Thứ tư - 21/04/2010 00:00 5.531 0
Lý Công Uẩn người hương Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), sinh ngày 12 tháng 12 năm Giáp Tuất (8/3/974). Ông là vị vua nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam không chỉ với công lao người sáng lập vương triều nhà Lý và kinh thành Thăng Long mà còn có nhiều huyền tích.
Tượng đài Lý Thái Tổ


Thân mẫu Lý Công Uẩn là Phạm Thị Ngà. Chuyện xưa kể rằng, có một người con gái đẹp làng Cổ Pháp nằm mơ giao duyên với Thần nhân và có thai. Vào đêm nàng trở dạ, xung quanh bỗng rực sáng, hương thơm toả ngào ngạt. Nàng sinh hạ được một bé trai. Cậu bé ấy được nhà sư Vạn Hạnh đặt tên là Công Uẩn. Còn theo truyền thuyết vùng Dương Lôi, mẹ Lý Công Uẩn là Phạm Thị Ngà, “đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với người Thần giao hợp rồi có chửa” (Đại Việt sử ký toàn thư).

  Lý Công Uẩn lên ba tuổi thì được sư Vạn Hạnh gửi cho sư đệ của mình là Lý Khánh Văn nuôi dưỡng. Hằng ngày, nhà sư Lý Khánh Văn dạy cậu bé bằng tất cả tình yêu thương của mình và Công Uẩn lớn lên bên dòng sông Tiêu êm đềm. Làng Dương Lôi bé nhỏ chở che cho tuổi thơ trong sáng và giàu ước mơ của Công Uẩn.

  Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua sinh ra mới ba tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Bé đã thông minh, vẻ tuấn tú khác thường. Lúc còn nhỏ đi học, nhà sưở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguygỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Lớn lên, không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khảng khái có chí lớn”

  Sách “Cương mục” ghi: “Công Uẩn người làng Cổ Pháp thuộc Bắc Giang, tư chất thông minh, hình dạng tuấn tú khác người đời. Khi còn nhỏ thường học nhà sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh lấy làm lạ nói rằng: “Người này không phải tầm thường, mai sau ắt làm chúa cả nước”. Kịp khi lớn lên, Công Uẩn khảng khái, có chí lớn. Khoảng giữa niên hiệu Ứng Thiên nhà Lê, làm cấm quân dưới triều Trung Tông. Ngoạ Triều khi đã cướp ngôi làm vua, thăng Công Uẩn lên Điện tiền Chỉ huy sứ”.

   Vạn Hạnh đã dạy dỗ Lý Công Uẩn nên người và tiến cử vào triều đình Tiền Lê. Lý Công Uẩn giữ chức võ tướng Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Chi hậu Đào Cam Mộc nhận xét về Lý Công Uẩn: “Thân vệ là người thông minh, trung hậu, khoan ái, nhân đức, lòng người đều quý phục”.

     Nhà Tiền Lê suy vi vì Lê Ngọa Triều bạo ngược. Năm Kỷ Dậu 1009, Lê Ngọa Triều mất. Lý Công Uẩn cùng Hữu Điện tiền Chỉ huy sứ Nguyễn Đề đem 500 quân Tuỳ Long vào cung canh giữ. Chi hậu Đào Cam Mộc hội các quan trong triều lại rồi nói:

   - Nay là lúc ức triệu người đã có lòng khác, trên dưới đều xa lìa nhân đức, người người oán giận chính sách hà khắc bạo ngược của Tiên vương (Ngoạ Triều) nên không muốn theo về tự quân nữa. Hết thảy mọi người đều có ý tôn cử Thân Vệ lên thay. Chúng ta nếu không nhân lúc này lập Thân vệ lên ngôi Thiên tử, lỡ ra bất chợt có biến thì tất cả còn giữ được không? Một ngày trong nước không thể không có vua. Triều đình đồng lòng tôn tướng quân lên ngôi báu.

  Đào Cam Mộc nói xong, trăm quan đều nhất tề mời Lý Công Uẩn lên chính điện lập làm Thiên tử, dập đầu tung hô “Vạn tuế” vang trời. Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu tức ngày 21/11/1009, hiệu là Lý Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên. Nhà Lý nối nghiệp triều Tiền Lê không theo phép Nho phong cha truyền con nối mà theo phép quân thần suy tôn vì nhu cầu của quốc gia dân tộc. Sự kiện đó diễn ra một cách êm thấm, không đổ máu.

   Ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ lập tức ra lệnh đại xá cho thiên hạ, bãi ngục tụng, đốt bỏ dụng cụ tra tấn và phương tiện tiêu khiển dã man của Lê Ngọa Triều, nới lỏng nhiều luật lệ kìm kẹp đối với dân chúng, cất nhắc, phong thêm quan tước cho những người có tài đức, có công và một số người trong gia tộc. Vua xuống chiếu từ nay ai có việc tranh kiện được đến tận triều đình mà tâu bày, vua sẽ đích thân xét quyết. Đào Cam Mộc có công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, được phong làm Nghĩa Tín hầu và được kết hôn với con gái lớn của Vua là An Quốc công chúa.

  Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng lập nên đã tồn tại 42 năm, vốn là vùng đất đẹp, nhưng Hoa Lư chật hẹp chỉ thích hợp với một vị trí phòng ngự lợi hại mà thiếu yếu tố đứng ở nơi trung tâm đất nước. Trong khi đó, thành Đại La vừa có thành luỹ, vừa là đất đô hội bậc nhất nằm giữa vùng đồng bằng rộng lớn phì nhiêu, sông ngòi chi chít, dân cư đông đúc, giao thông thuỷ bộ thuận lợi. Vòng ngoài, phía bắc, đông bắc, tây bắc, tây, tây nam, những dãy núi trùng điệp vòng cung bao bọc tạo nên bức tường thành kiên cố. Gần hơn, mạn bắc, tây bắc có dãy Tam Đảo; mạn tây có dãy Ba Vì sừng sững ôm che và các dòng sông Bắc Giang (sông Thiên Đức tức sông Đuống), Nguyệt Đức (sông Cầu), Nhị Hà trải dài bên mạn bắc, mạn đông; sông Đáy mạn nam, sông Nhuệ mạn tây, tạo thành những hào thiên nhiên sâu rộng chắn giữ.

Lý Thái Tổ đã viết chiếu, hỏi ý kiến Triều đình:

   “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn vinh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.

   Huống gì, thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây;lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

   Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các Khanh nghĩ thế nào?".

         ( Nguyễn Đức Vân dịch )

Văn võ bá quan đồng tình và nhất loạt tung hô “Vạn tuế”.

   Mùa Thu Canh Tuất, tháng Bảy năm Thuận Thiên (1010), việc dời đô ra Đại La được tiến hành. Trong tiếng trống rung trời, người ngựa thuyền bè rầm rộ tiến về hướng bắc. Vua ngự trênthuyền rồng, cùng đoàn thuyền tuỳ tùng và các quan đại thần rời sông Hoàng Long vào sông Đáy, vượt qua sông Châu đến sông Nhị rồi tiến về phía thành Đại La. Tương truyền, từ xa, Lý Thái Tổ nhìn về kinh đô tương lai, chợt thấy đám mây ngũ sắc nơi chân thành cuồn cuộn hình dáng một con rồng vàng đang bay lên. Vua hết sức vui mừng, cho là điềm lành, liền đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long (Rồng bay lên).

    Tại Thăng Long, Lý Thái Tổ ban lệnh xá thuế ba năm liền cho dân, ai có điều gì oan trái được đến tận triều đình để tâu bày, Vua đích thân đứng ra xem xét, phân xử. Năm Bính Thìn 1016, đói kém do mất mùa, Vua lại xá thuế ba năm liền. Tháng Hai năm Tân Dậu (1021), lấy ngày sinh của Vua làm tiết Thiên thành, kết trúc làm một ngọn núi gọi là Vạn Thọ Nam Sơn ở ngoài cửa Quảng Phúc. Trên núi làm nhiều hình chim bay muông chạy nhiều vẻ kì lạ và ban yến cho bầy tôi mua vui. Nhưng sau đó thấy lễ tiết gây nhiều nỗi nhọc nhằn cho dân, tốn kém cho công quỹ nên tháng Hai năm Nhâm Tuất (1022), Vua đã bãi bỏ việc làm núi giả nhân tiết Thiên thành.

   Vua thường xuyên chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, định chế độ thuế khoá rõ ràng để dân chúng yên tâm sản xuất. Đạo Phật được coi trọng và trở thành quốc giáo. Quân đội được phiên chế lại. Nhiều lần Vua tự cầm quân đánh dẹp giặc giã. Năm Canh Thân 1020, quân Chiêm Thành cướp phá châu Hoan. Vua sai Khai Thiên Vương Phật Mã và Thái Bảo Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh, tiến sâu vào đất Chiêm, giết tướng Bố Linh.

   Việc Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đã mở ra một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá mới cho đất nước, đặt nền móng xây dựng triều Lý thịnh trị, nâng cao hơn tư thế độc lập tự chủ, củng cố khối thống nhất dân tộc.

Lý Thái Tổ làm vua được 19 năm. Ngài mất ngày 1 tháng 3 năm Mậu Thìn (31-3-1028), thọ 54 tuổi.

 (Giáo dục Thủ đô số 4 - tháng 3.2010)     

Tác giả: QBTYV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

 


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng năm 2016
Tháng 10/2017 UBND T.P Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia



Ý kiến đóng góp trực tiếp đến giám hiệu xin gửi về nhatruong@thptyenvien.edu.vn

Trường THPT Yên Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây